Cây Lan Tỏi
Hoa lan tỏi là loại cây dây leo dễ trồng. Cây rất ít khi bị sâu bệnh, hoa nở quanh năm khi trồng ở xứ nóng. Cây được ưa chuộng vì màu hoa lãng mạn với sắc tím lavender và mùi hương tỏi thoang thoảng. Hiếm ai có thể làm ngơ trước giàn hoa tím mơ màng trước cổng nhà như vậy. Loài thực vật này được nhắc đến với tác dụng đuổi rắn và thay thế gia vị. Sự thật đằng sau những thông tin này là thế nào, mời các bạn cùng Mộc Nhiên khám phá nhé.
- Tên khoa học: Mansoa hymenaea
- Tên tiếng Anh: Garlic Vine, Garlic-scented Vine
- Tên gọi khác: chuông tỏi, hoa tỏi, chuông tím, thiên lý tỏi, ánh hồng, lý tỏi, lý Thái Lan
NỘI DUNG
Đặc điểm của cây hoa lan tỏi
Ở xứ nóng, lan tỏi ra hoa quanh năm. Nhưng ở những nơi khí hậu lạnh, cây sẽ ra hoa trước mùa đông. Sau đó thì rụng lá gần hết và ngủ một giấc dài chuẩn bị cho mùa xuân rực sắc. Hoa có mùi hương như chính cái tên của nó – mùi tỏi. Hương hoa rất nhẹ, phải thật gần mới thấy. Lá của cây khá giòn, khi vò nát cũng sẽ phát ra mùi tỏi.
Ngoài những đặc tính thú vị trên thì lan tỏi thu hút người khác chủ yếu vì màu hoa dịu dàng tươi tắn. Vòng đời của hoa bắt đầu từ những nụ màu tím hơi đậm, sau đó nở thành các bông hình chuông mang màu hồng tím nhạt và gần tàn sẽ chuyển sang màu trắng. Cây cực kỳ sai hoa, nở thành vô vàn các chùm rợp kín cổng rào. Cánh hoa mỏng, mịn bóng, mỗi chùm từ 15 – 20 bông. Lan tỏi nở thành tầng tầng lớp lớp rất lộng lẫy. Những cành dài rủ xuống đong đưa sắc hồng tím trong nắng, lấp lánh như một giấc mơ hoa.
Lan tỏi là thân leo, cây lâu năm hóa gỗ. Cây có thể cao tới 5m tùy thuộc vào vị trí và giàn leo. Chúng phân ra nhiều nhánh từ thân, cuốn vào vật chủ và vươn dài. Chúng phù hợp với nhiều địa hình khác nhau, đặc biệt tua cuốn rất khỏe nên có thể vươn mạnh hoặc bám vào các bờ đá. Lá cây xanh bóng và dày, in đậm gân lá.
Nguồn gốc và phân bố của cây lan tỏi
Hoa lan tỏi loại cây dây leo rất dễ chăm trồng, sống lâu năm có thể hóa gỗ. Cây có nguồn gốc từ Brazil, Argentina đến Đông Nam Mexico và Trung, Nam Mỹ. Ở Thái Lan cây được xem như một loại cây cảnh để trang trí nhà cửa bởi màu sắc hồng tím rất thu hút.
Giống cây này thuộc chi Mansoa. Các loài cây thuộc chi này xuất hiện chủ yếu ở các khu rừng khô và ẩm ướt của Brazil và từ Argentina đến Đông Nam Mexico. Nhiều tài liệu đều nói về đặc tính y học của loài cây này đối với bệnh đường hô hấp và thấp khớp. Tuy nhiên, vì chưa có những thông tin chính thức từ các bác sĩ nên chúng ta không nên tùy ý sử dụng.
Công dụng của hoa lan tỏi trong đời sống
Cây lan tỏi đuổi rắn
Có nhiều thông tin cho là loài cây này có thể đuổi rắn và côn trùng vì chúng không chịu được mùi hương hoa lan tỏi. Tuy nhiên, thông tin này chủ yếu được truyền miệng trong dân gian chứ chưa được kiểm chứng trên thực tế. Vì thế chúng ta chỉ nên tham khảo chứ không coi đây là cách đuổi rắn chính thức.
Cây lan tỏi làm thảo dược
Thông tin về cây lan tỏi chủ yếu viết về cách sử dụng trong y học cổ truyền của các nước từ thời rất xa. Ví dụ như:
- Ở Surinam, lan tỏi khô được dùng làm thuốc chữa sốt và các cơn đau thấp khớp.
- Tại Peru, chúng được dùng để điều trị cảm lạnh, viêm phổi và sốt rét, là một chất diệt côn trùng và chống thấp khớp.
- Ở Brazil, dịch truyền của lá đã được sử dụng để điều trị cảm lạnh và sốt, như một loại gia vị, và như một loại thuốc giảm đau. Trà làm từ lá được báo cáo là được sử dụng để điều trị ho, buồn nôn và táo bón. Vỏ rễ và lá được ngâm rượu và dùng để chống thấp khớp và viêm khớp.
- Ở Guianas, nước sắc của thân và lá đã được sử dụng như một chất rửa bên ngoài chống lại các cơn đau và mỏi cơ. Người bản địa sử dụng cây này trong các nghi lễ ma thuật hoặc huyền bí để xua đuổi những linh hồn xấu.
- Ngoài ra, gỗ của cây được ghi nhận là có tác dụng chống ung thư và kháng khuẩn.
- Lá và hoa chứa các steroid thực vật chống viêm và kháng khuẩn. Nước chiết xuất từ lá đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa nhờ vào các hợp chất anthocyanin được tìm thấy trong cây. Chúng thường được thêm vào bồn tắm để điều trị các tình trạng sốt, cảm cúm, đau nhức cơ thể, chuột rút và mệt mỏi.
Trồng làm quà tặng
Hoa lan tỏi được yêu thích vì màu sắc và nét dịu dàng của những nhánh hoa buông xuống. Vì thế, chúng hay được tận dụng làm cây trang trí một số khu vực như cổng, hàng rào, những nơi có trụ bám.
Hoa lan tỏi trang trí
Ở Việt Nam, cây lan tỏi được biết đến nhiều nhất vì sự xinh đẹp mê hoặc của màu sắc và những chùm hoa tím buông rủ bên cổng nhà. Phải kể đến những dãy hàng rào dài được phủ kín sắc tim tím hồng hồng vô cùng lãng mạn.
Vì khả năng phát triển rất mạnh nên chúng còn được trồng để trang trí những nơi công cộng. Đặc biệt ở các khu vực nghỉ dưỡng, giàn hoa lan tỏi là một trong những nét đẹp hút khách ghé thăm.
Những câu hỏi về hoa lan tỏi
Cây có ra hoa quanh năm không?
Lan tỏi ra hoa theo từng đợt và lặp lại trong năm. Mỗi mùa hoa kéo dài khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, chúng gần như phủ kín giàn bằng những đóa hoa màu tím nhạt. Hoa nở dày đặc, nhìn xa như một dải mây vắt ngang trời. Tuy nhiên, ở những nơi có mùa đông thì chúng sẽ ra hoa trước khi thời tiết giá lạnh. Sau đó chúng ngủ một mùa đông dài rồi lại nở bừng khi mùa xuân đến.
Mùa hoa kéo dài bao lâu?
Thời gian nở của hoa khoảng 20 ngày tới 1 tháng. Sau đó chúng sẽ rụng hàng loạt và chuẩn bị dưỡng sức cho mùa hoa kế tiếp.
Hoa lan tỏi có ăn được không?
Với hương vị của tỏi, chúng được coi như một loại gia vị hoặc thay thế vị tỏi trong ẩm thực. Tuy không phổ biến ở Việt Nam nhưng thông tin này được ghi chép trong tài liệu về ẩm thực một số nước khác.
Lá và thân non, mềm có thể được cắt nhỏ và sử dụng như hẹ để rắc vào món salad, bánh mì kẹp, khoai tây nghiền hoặc bất kỳ thực phẩm nào khác. Những lá già dai có thể dùng tươi bằng cách giã nát hoặc băm nhỏ. Có thể phơi khô lá già rồi mới giã nhỏ hoặc tán thành bột, dùng để nấu ăn thay thế tỏi.
Hoa lan tỏi có độc không?
Chưa có ghi chép về độc tính của cây lan tỏi. Chúng có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh. Mặc dù vậy, dược tính của loài thực vật này không phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, nếu có ý định sử dụng, nên tìm hiểu kỹ qua các thầy thuốc chuyên môn.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lan tỏi
Nhân giống cây
- Cây lan tỏi khỏe mạnh, dễ phát triển với phương pháp giâm cành. Để chuẩn bị cho việc giâm cành, cần có giá thể sạch và thoáng.
- Cắt một đoạn cành giâm khoảng 15cm, có khoảng 3 mắt ngủ. Nên chọn các cành già hoặc cắt đoạn gần gốc.
- Cắm cành giâm và đặt nơi mát, giữ ẩm cho cành giâm và giá thể. Khoảng 20 ngày sau thì cành giâm ra rễ. Đừng vội đem cành ra chậu mới. Chúng cần thêm thời gian để ổn định, ra nhiều rễ hơn và thêm lá mới. Lúc này, nên chuẩn bị sẵn khu vực mà cây có thể leo được vì ngay khi đem ra chậu mới, chúng sẽ bắt đầu tạo vòi hoa và tua cuốn.
Ánh sáng và giá thể
Cây lan tỏi ưa ánh nắng, vì thế nên đặt cây ở vị trí hứng nhiều nắng, nhờ vậy chúng sẽ trổ rất nhiều hoa.
Cây không đòi hỏi quá nhiều về giá thể nhưng tốt nhất nên chuẩn bị giá thể tơi, thoáng, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt nên dùng các loại phân chuồng ủ hoai mục và phân hữu cơ. Nếu trồng chậu, nên chuẩn bị thay chậu khi cây phát triển. Chậu trồng cây nên có đủ không gian để rễ sinh trưởng.
Lượng nước phù hợp
Cây lan tỏi chịu được nắng nóng và khô hạn. Chỉ cần tưới khi mặt chậu đã khô. Vào mùa mưa, cần tránh để cây bị ngập úng.
Bón phân
Nếu giá thể đã có phân bón thì chỉ cần bón định kỳ sau 2 tháng. Thời gian bón định kỳ có thể theo tháng. Nên sử dụng các loại phân hữu cơ. Ngoài ra, chúng không cần chế độ chăm sóc quá đặc biệt.
Cắt tỉa cây lan tỏi
Riêng đối với loài cây này, việc cắt tỉa không đúng cách sẽ làm cây suy kiệt. Nói cách khác, chúng không cần cắt tỉa quá thường xuyên và mỗi lần cắt tỉa không nên cắt quá nhiều. Ngay sau đợt hoa, bạn nên cắt tỉa những dây hoa cũ còn sót lại hoặc những cành khô để cây ra nhánh mới. Ngoài thời điểm này, không nên cắt tỉa nhiều.
Tổng kết
Với những ưu điểm về sự thích nghi, khả năng phát triển nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt là màu hoa dịu dàng… lan tỏi sớm chiếm ưu thế về một loài cây dây leo phù hợp cho sân vườn. Bảo đảm bạn sẽ ngỡ ngàng đến lịm tim khi ngước nhìn giàn cây vào mùa hoa nở rộ.
©Copyright by Moc Nhien Farm