Tạo Dáng Cây Cảnh
Một cây cảnh hay cây bonsai đẹp có giá trị nghệ thuật cao là ở cái thế và hình dáng của nó. Vì vậy những nghệ nhân chơi cây cảnh, bonsai rất chú trọng đến khâu uốn cành và tạo dáng cho cây. Để có được những cây cảnh và bonsai có hình dáng đẹp, chúng ta cùng tham khảo hướng dẫn tạo dáng cây cảnh dưới đây.
NỘI DUNG
1. Thời điểm để uốn cành và tạo dáng cho cây cảnh và bonsai
Thời điểm thích hợp để tạo dáng cho cây cảnh và cây bonsai là vào cuối hè hoặc là cuối tháng 7 đầu tháng 8. Đây là khoảng thời gian cây phát triển mạnh của cây cho ra nhiều chồi non và lá mới thích hợp, tốt cho việc uốn cây.
Với những loại cây chảy nhiều nhựa như cây thông hay cây gỗ sam thì thời điểm thích hợp để uốn cây là vào cuối tháng 8 khi mà lượng nhựa lưu thông trong cây giảm đi.
Với những loại cây rụng lá sớm, có khả năng chảy nhiều nhựa thì bạn không nên uốn cây vào đầu hoặc cuối mùa xuân vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Trước khi uốn, bạn nên tham khảo các thế cây cảnh, sách kỹ thuật uốn cây bonsai đẹp để chọn được dáng thích hợp cho cây cảnh của mình.
2. Chuẩn bị dụng cụ uốn cành và tạo dáng cho cây cảnh, bonsai
Dụng cụ uốn cành và tạo dáng bao gồm:
+ Kéo cắt tỉa: để cắt bỏ bớt lá, cắt bỏ những cành quá sát nhau gây khó khăn cho việc tạo dáng cho cây . Trong bonsai nên tránh những cành cây song song, uốn về phía sau, gối lên nhau, đối xứng và cành rũ.
+ Dây uốn cành: thông thường sẽ sử dụng dây đồng hoặc dây kẽm để uốn. Ngoài ra có thể dùng loại dây vải để quấn, khi quấn nên tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp sẽ làm ảnh hưởng đến cây. Tuy nhiên nhược điểm khi quấn dây vải là dễ gây nấm mốc vào mùa mưa. Tuyệt đối không nên dùng dây sắt vì theo thời gian dễ bị gỉ sét. Đối với một số loại cây lá kim, gỉ sét sẽ làm ảnh hưởng đến cây, gây độc và làm chết cây.
3. Cách chọn cây
Không phải cây cảnh nào cũng có thể trở thành bonsai, các loại cây bonsai phổ biến và có thể chế tác thành những tuyệt tác bạn có thể chọn như cây sanh cảnh, cây si, cây đa cảnh, cây đề, linh sam, mai chiếu thủy, nhất chi mai, ngũ gia bì, …
+ Dáng tổng thể: Để tạo ra được một tác phẩm bonsai độc và đẹp cần có sự cân đối giữa các thành phần của cây tạo nên dáng tổng thể như thân cây, rễ cây và cành cây.
+ Rễ cây: Bộ rễ cây đẹp là bộ rễ chỉ lộ ra và lan tỏa trên mặt đất, không có những rễ cây mọc chồng chéo lên nhau.
+ Thân cây: nên chọn những thân cây phù hợp với dáng cây muốn tạo thì nhìn sẽ đẹp mặt hơn. Thân cây đẹp là thân cây có độ to đều từ gốc đến ngọn. Nên chọn thân cây có thêm nhiều nét sần sùi tạo nên tuổi tác của thân cây thì cây dùng làm bonsai hay cây cảnh sẽ có giá trị hơn.
+ Cành cây: là phần tạo nên tán của cây. Nên cắt bỏ những cành mọc quá lớn hay cành mọc đâm chéo hoặc mọc cùng vị trí với cành chính trên cây. Đối với cây bonsai thì cành gần gốc to hơn cành trên ngọn và cành thường được phân bố theo hình xoắn ốc.
4. Kỹ thuật hướng dẫn tạo dáng cây cảnh
Việc uốn cành thế nào là tùy vào cảm hứng của nghệ nhân lúc làm cây, không nên gò bó trong một quy tắc dễ thành ra cây hàng chợ.
a) Kỹ thuật uốn cây cơ bản:
Đầu tiên là uốn thân chính, rồi đến cành chính, tiếp đó là những cành quanh thân cây khởi đi từ gốc đến ngọn, cành lớn thì uốn trước, cành nhỏ uốn sau. Để quấn được dây kẽm quanh thân cây thì ta nên cắm một đầu dây kẽm sau trong đất của chậu cây.
Khi quấn dây thì không nên quấn quá lỏng hay quá chặt và đường quấn phải hình thành những góc 45 độ với trục thẳng đứng của cây.
Ta uốn cây bằng cách nhẹ nhàng xoắn cành theo hướng quấn dây kẽm để dây luôn luôn được giữ chặt vào vỏ cây. Đối với những loại cây rụng lá sớm thì sau khoảng 3 đến 5 tháng là có thể tháo dây quấn.
b) Kỹ thuật tạo dáng cho cây to dễ gãy:
Cần xác định độ chịu đựng được của cành cây vì độ mềm dẻo của mỗi loại cây là khác nhau, và mỗi cành cây có một độ cong nhất định tùy thuộc vào vị trí và hướng của nó mọc trên thân cây.
+ Sử dụng dây chằng xoắn để uốn những cành to và khó uốn. Những cành to dùng phương pháp quấn dây thì không thể thực hiện được. Khi sử dụng dây chằng để uốn cành bạn cần chú ý đến miếng đệm vì sợi dây mảnh có thể cứa đứt thân cành nếu bạn không đệm vào đó một miếng cao su. Dây chằng xoắn thường được sử dụng là loại dây đồng mảnh có đường kính từ 1 – 1,5 mm.
Lợi thế của phương pháp này là dùng để uốn những cành cây cực kỳ khó nắn. Đối với những cành cây giòn hoặc có nguy cơ dễ bị nứt, gãy thì dây chằng xoắn có thể giúp giữ được chúng trong nhiều tuần, giảm nguy cơ làm hỏng cành cây.
+ Sử dụng nẹp 3 chân để uốn các cành cứng: Với hai chân bên ngoài được móc vào cành, chân chính giữa được điều chỉnh bằng mức ren từ từ sẽ uốn cong cành cây. Dụng cụ này ít được người chơi cây cảnh dùng vì dễ làm tổn thương cành cây ngay cả khi dùng miếng lót cao su.
+ Sử dụng khóa uốn cành : là dụng cụ bằng kim loại có hai răng giúp kẹp chặt cành cây cho phép người dùng có thể tác động mạnh hơn đến cành cây , uốn chúng vào đúng vị trí mong muốn sau đó dùng dây chằng vào vị trí đó.
+ Sử dụng nẹp uốn: dụng cụ này giống như phương pháp dùng dây chằng xoắn nhưng khác ở chỗ thay vì dùng dây kéo cành muốn uốn và điểm neo lại gần nhau bằng sợi dây chằng thì bạn dùng một thanh kim loại để siết hai đầu của nẹp uốn lại. Sử dụng nẹp uốn có thể kéo được nhiều cành cây hơn so với khoảng cách giới hạn mà biện pháp dây chằng xoắn mang lại nhưng nếu dùng trong khoảng không gian chật hẹp thì rất bất tiện và thậm chí không thể dùng được phương pháp này.
Qua phần chia sẻ hướng dẫn tạo dáng cây cảnh! Chúc các bạn uốn được những cây cảnh và bonsai có dáng và thế như mong muốn.