Cây Thương Lục
Thương lục còn có tên là trưởng bất lão, kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là cây mới được di thực du nhập vào nước ta mấy thập kỷ gần đây. Trong nước vốn có sẵn loài thương lục Phytolacca decandra L. còn gọi là thương lục Mỹ (Phytolacca americana L.) hay dân gian còn gọi sâm voi vì cây mau lớn, sau 6 – 7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm (sự nhầm lẫn chết người từ đây mà ra).
Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, cao tới 1,5m. Rễ củ mập. Thân hình trụ nhẵn, màu xanh lục, ít phân nhánh. Lá mọc so le, phiến xoan ngược to, dài 12 – 25cm, rộng 5 – 10cm; cuống lá 3cm, đầu nhọn tù, gốc nhọn. Chùm hoa đối diện với lá song không gắn trước lá, cao 15 – 20cm; 5 lá đài trắng, nhị 8, lá noãn 8 – 10. Quả mọng, hình cầu dẹt, có 8 – 10 quả đại với vòi nhụy tồn tại, khi chín có màu tía đen, hạt đen, dẹp, hình thận hay tròn. Hoa tháng 5 – 7, quả tháng 8 – 10.
Tác dụng: Thương lục là loại thuốc hạ phẩm trong đông y nghĩa là có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng có độc tính. Theo đó, thương lục vị đắng, tính hàn, có độc, quy kinh phế thận đại tràng, lợi niệu trục thuỷ, tiêu thũng tán kết, chủ trị các chứng thuỷ thũng, phức thuỷ, ung thũng (dùng ngoài)…
Độc tính: Thương lục là loại cây có độc ở tất cả các bộ phận. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy trong rễ củ, quả, lá… thương lục có một chất độc, đắng, gọi là phytolaccatoxin. Khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi; đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, trong rễ còn có steroid saponin (chất này được cho là có tác dụng diệt tinh trùng), nhiều muối kali nitrat, axít oxymyristinic,…
Hiện nay tình trạng ngộ độc do cây thương lục đang có xu hướng tăng do cây mau lớn, đặc biệt rễ cây có hình dáng giống cây nhân sâm nên người dân trồng nhiều tại nhà đề dùng với hi vọng tác dụng của cây giống nhân sâm. Tại khoa điều trị tích cực – chống độc bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình vừa qua đã gặp 3 trường hợp ngộ độc do ăn rễ cây thương lục được trồng tại nhà. Cả 3 trường hợp đều được vào viện với lý do sau ăn rễ cây xuất hiện cảm giác tê lưỡi, đầu môi sau đó đau bụng, nôn mửa. Đặc biệt có 1 trường hợp nặng vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp nên đã phải được đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch và rửa dạ dày. Hiện tại các bệnh nhân đã tiến triển tốt, đều khỏe mạnh và đã được xuất viện.
Như vậy đề nghị nhân dân không nên ăn, uống nước sắc hay ngâm rượu loại cây thương lục (sâm voi ) vì rất nguy hiểm.
Nguyễn Minh Thắng (Khoa Điều trị tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình)