Cây Sầu đông
Cây xoan có rất nhiều tên gọi: Xoan ta, xoan nhà, xoan trắng, sầu đông, thầu đâu, sầu đâu, khổ luyện… Thậm chí, ở một số nước, nó còn có cái tên rất kêu như: Tuyết tùng trắng, đinh hương Ba Tư…
Riêng với tôi, cái tên sầu đông rất gợi và nói lên thật nhiều điều…
Cuối thu, cây xoan bắt đầu rụng lá. Đến cuối đông thì trơ ra những cành cây khẳng khiu, gầy guộc. Trong tiết trời mưa phùn gió bấc, hàng xoan đứng trơ trọi trong nền trời xám bạc gợi về miền quê xa trong nỗi nhớ của những người lưu lạc nơi lữ thứ. Vì thế mà người ta gọi là sầu đông chăng…
Nhưng chỉ qua cữ Tết, sang giêng hai phơi phới mưa xuân, trên những cành cây khẳng khiu ấy bắt đầu đùn lên túm chồi non phủ lớp tuyết trắng mịn. Những túm chồi ấy ngập ngừng xòe ra tum túm chân chó, rồi khi nắng mới bừng lên là bung nở chùm hoa tím ngát.
Hoa xoan có 5 cánh nhỏ phớt tím, giữa là chùm nhị màu tím ngát và chính cái màu tím này làm cho hoa xoan khó có thể trộn lẫn với bất cứ sắc hoa nào. Hoa xoan có mùi thơm dịu nhẹ, nhưng nếu để gần hay chìm giữa vườn xoan đang độ ra hoa thì lại thấy mùi hơi hăng nồng.
Cây xoan khá cao (7 – 12m). Hoa xoan lại thường mọc ở đầu cành nên không dễ gì mà hái được. Còn khi rụng xuống thì chỉ là những cánh hoa li ti, chứ không như hoa bưởi có khi rụng cả bông hoa hay thậm chí cả chùm hoa.
Có lẽ thế chăng mà không ai dùng hoa xoan để trang trí. Và thực ra, hoa xoan chỉ đẹp khi ở trên cây và phải nhìn ngắm kỹ mới thưởng thức hết vẻ đẹp của hoa. Còn không, những cánh hoa li ti và cả chùm hoa ấy lẫn vào vòm lá, lẫn vào nền trời xam xám cữ tháng ba chẳng dễ ai phát hiện ra.
Thực ra thì lũ trẻ nông thôn thích quả xoan hơn thích hoa. Hoa thì cùng lắm là chơi bán đồ hàng, còn quả xoan thì lũ con gái có thể chơi rải ranh, chơi ô ăn quan… còn lũ con trai thì thích nhất là làm đạn bắn súng cao su.
Theo y học, tất cả các bộ phận của cây xoan đều có dược tính độc, từ thân, lá, hoa và quả. Ấy vậy mà hồi bé, chúng tôi đã từng ăn quả xoan. Quả xoan khi chín có một lớp bột mỏng nằm giữa vỏ và hạt, lũ trẻ chúng tôi bóc vỏ ra và nhằn lấy lớp tựa ít ỏi ấy. Rau má, củ chuối và cháo cám đã từng ăn thì cái sự độc của quả xoan bé tí hin ấy có đáng gì. Mà kể cũng lạ, chẳng đứa nào ngộ độc cả, cùng lắm là chỉ thấy bụng cồn cào và cơn đói lại càng thôi thúc hơn.
Khi chín, chùm quả rũ xuống nhưng thường vẫn đeo đẳng trên cây không chịu rụng. Đến cuối đông, khi lá cây đã vàng xuộm, rụng lả tả thì chùm quả vẫn đung đưa trên cành. Thậm chí khi cây đã đâm chồi nảy lộc và cả khi đã ra lớp hoa mới, thì vẫn còn những chùm quả của mùa trước đeo trên cành.
Trong mùa đông tháng giá thì đây là nguồn thức ăn chống cái đói giáp hạt cho lũ dơi và chào mào. Chúng cũng nhằn lấy lớp bột mỏng như lũ trẻ chúng tôi và nhả hạt đi khắp nơi, để rồi lại mọc lên những lớp xoan mới…
Ngôi nhà truyền thống vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ ba gian hai chái thường được tạo dựng bởi những vật liệu hết sức thân thuộc: Cột kèo xà gỗ xoan, rui mè bằng tre luồng… Ngày trước, có được ngôi nhà như thế đã là khá giả rồi. Bởi thế, những gia đình vườn tược rộng bao giờ cũng phải có hàng xoan quanh khuôn viên và mấy bụi tre góc vườn.
Cây xoan thẳng, gỗ xoan nhẹ nhưng cứng cáp nên rất thích hợp để dựng khung nhà. Nhưng muốn gỗ xoan không mối mọt thì phải ngâm xuống nước ít nhất là một năm. Bây giờ, nhà mái bằng, bê tông mọc lên san sát các làng quê. Vì vậy mà ngay ở nông thôn, cũng không còn mấy ai trồng xoan làm nhà nữa. Thảng hoặc ngoài bìa làng hay trên các bờ sông, bờ mương máng…, có người vẫn trồng những hàng xoan như muốn lưu giữ lại ký ức về một loài cây thân thuộc, tình nghĩa đã gắn bó với bao kiếp người một thời gian khó.
Hình ảnh hoa xoan cũng đã đi vào thơ ca, man mác như khói sương. Đó là những “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, để rồi tan hội “nát dưới chân giày” trong thơ Nguyễn Bính. Và chắc hẳn những người yêu thơ, yêu nếp nhà tranh dưới làn khói lam chiều không thể quên hình bóng làng quê trong “Chiều xuân” của nữ thi sĩ Anh Thơ.
Nhưng cái man mác ấy không gợi nên nỗi buồn, mà càng làm cho những người một thời gắn bó với làng quê thêm yêu sắc tím hoa xoan, càng làm cho tôi thêm thương nhớ sầu đông.