Cây Râu Hùm
Cây râu hùm có 10 loài, phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Myanma, Sri Lanka, Thái Lan, khu vực Đông Dương và các nước Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, hiện biết có 6 loài cây râu hùm, cây mọc hoang dã ở các tỉnh miền núi, trong rừng ẩm và ven suối. Râu hùm là cây sống lâu năm, cao từ 50 – 80cm, có thân rễ dài ở trên mặt đất, nhiều đốt và hơi cong.
Lá cây râu hùm mọc từ phần đầu thân rễ, phiến lá hình trái xoan gần giống như lá dong, dài 30 – 50cm, rộng 15 – 20cm, đầu nhọn, gốc tù và hơi lệch, có màu xanh lục bóng, mép nguyên, hơi lượn sóng, cuống lá dài 20 – 30cm.
Cụm hoa cây râu hùm gồm nhiều hoa màu tím, tập trung trên đầu một cuống dài 10 – 50cm. Cụm hoa có 4 lá bắc to, màu nâu tím, xếp đối xứng nhau từng đôi một: 2 lá bắc phía ngoài hình trái xoan, đầu nhọn, 2 lá bắc trong nhỏ hơn, thuôn hẹp ở gốc. Các lá bắc con ở trong cùng có dạng sợi, dài từ 15 – 20cm, thò ra hai bên cụm hoa, trông như bộ râu con hổ.
Hoa râu hùm có cuống dài, bao hoa có hình nón ngược, trên có 6 thùy, 6 nhị, bầu dưới, chứa nhiều noãn. Quả cây râu hùm là dạng quả nang không tự mở.
Hạt cây râu hùm có 3 cạnh lồi, màu đỏ tím. Cây râu hùm nở hoa, tạo quả vào tháng 7 đến tháng 10. Cây có thể nhân giống vô tính bằng cách cắt ngang thân rễ thành từng khúc nhỏ dày khoảng 2 – 3cm, chấm vào tro bếp rồi vùi trong cát hoặc đất ẩm.
Trong năm 2013, nhóm nghiên cứu của khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh và Viện Nghiên cứu phát triển vùng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ do PGS. TS Trần Ngọc Lân làm trưởng nhóm đã tiến hành các đợt điều tra thu thập về cây râu hùm tại Vườn Quốc gia Pù Mát – Nghệ An.
Kết quả cho thấy, cây râu hùm có ở các khu rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Pù Mát ở độ cao từ 500 -1.500m. Chúng phân bố ven các dòng suối, dưới tán các cây rừng nơi có độ ẩm cao.
Cây râu hùm tìm được ở Vườn Quốc gia Pù Mát có một số đặc điểm khác so với những loài râu hùm đã tìm thấy và nghiên cứu ở Việt Nam trước đây. Lá râu hùm Pù Mát có chiều rộng hẹp hơn, chỉ từ 10 – 20cm.
Hoa râu hùm có màu xanh nhạt, cả cụm hoa nhìn qua có màu xanh pha tím. Hai lá bắc phía ngoài có màu xanh, gốc lá và gân lá có màu tím. Hai lá bắc này có hình bầu tròn hơn các loài khác và xếp chồng lên nhau khoảng 1/3 lá. Quả râu hùm có màu xanh tím.
Công dụng của cây râu hùm
Cây râu hùm có vị cay đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, chỉ thống, lương huyết, tán ứ. Thân, rễ cây râu hùm thường được người dân giã nhỏ đắp ngoài để chữa thấp khớp.
Ở Trung Quốc, thân, rễ cây râu hùm được dùng trị nhiều bệnh, trong đó có viêm loét dạ dày và hành tá tràng, viêm gan, huyết áp cao, bỏng lửa, lở ngứa, giải độc ngộ độc thực phẩm. Dịch cồn chiết từ thân rễ của cây râu có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Cây râu hùm được người dân thu hái quanh năm. Cây râu hùm một vị thuốc được sử dụng thường xuyên ở các vùng miền núi, người dân sau khi thu hái về rửa sạch, thái lát phơi hay sấy khô.
Do có giá trị dược liệu cao nên cây râu hùm được người Trung Quốc thu mua với giá cao từ 600.000 – 800.000 đồng/kg thân rễ phơi khô.
Do thấy được lợi ích về mặt kinh tế và công dụng của cây râu hùm nên ở một số vùng cây râu hùm đang bị khai thác nhiều và không bền vững nên có nguy cơ bị cạn kiệt.
Với những giá trị về mặt dược liệu và kinh tế như trên, cần thiết phải có những thu thập, nghiên cứu sâu hơn nữa về tác dụng chữa bệnh của cây râu hùm ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lợi này.
Đặc biệt, cần có các nghiên cứu ứng dụng để đưa những loại cây râu hùm có giá trị vào các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân các huyện miền núi dưới dạng cây trồng đa dụng.
Việc nhân giống cây râu hùm sẽ vừa tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc, vừa giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi.