Cây Khúc Khắc – Đặc điểm, công dụng và cách dùng
Chơi cây cảnh – Nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh
Khúc khắc là một loại thảo dược có tên khoa học là Smilax glabra Roxb. Theo y học cổ truyền, cây này có tính bình và được sử dụng để chữa đau nhức xương khớp, vết thương mụn nhọt khó lành… Dưới đây là một số thông tin về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại cây này.
NỘI DUNG
Đặc điểm của Khúc khắc
- Tên gọi khác: Thổ phục linh, Linh phạn đoán, Cậm cù, Sơn lỳ lương, Dây khum, Kim cang, Hồng thổ linh, Thổ tỳ giải, Sơn trư phấn, Dây chắt.
- Tên khoa học: Smilax glabra Roxb.
- Thuộc họ: Hành (Liliaceae).
Mô tả cây
Cây Khúc khắc là loại cây thân leo sống lâu năm, dài khoảng 4-5m, có thể lên đến 10m, có nhiều cành nhỏ, mảnh, không có gai, thường có tua cuốn dài. Lá mọc so le, có hình bầu dục thuôn, đầu nhọn dài từ 5-13cm, rộng 3-7cm, chắc cứng, hơi mỏng, có 3 gân nhỏ từ gốc và nhiều gân con. Hoa mọc thành tán có từ 20-30 hoa nhỏ màu xanh nhạt, hoa đực và hoa cái riêng biệt. Quả mọng, hình cầu, có 3 cạnh, có 3 hạt và khi chín có màu đỏ hoặc tím đen. Rễ củ có hình thù không đều.
Đặc điểm sinh trưởng
Hoa Khúc khắc thường nở vào khoảng tháng 5-6 hàng năm và ra quả từ tháng 7-10. Loài cây thân leo này có mặt ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar.
Ở Việt Nam, cây thường được tìm thấy ở các vùng đồi núi, rừng thưa, thung lũng, từ miền núi Tây Bắc cho đến Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Khánh Hòa.
Bộ phận dùng
Bộ phận thường được sử dụng của cây Khúc khắc là thân rễ, một số người gọi là củ Khúc khắc hoặc củ Thổ phục linh.
Bào chế
Thân rễ của cây này có thể thu hái quanh năm, nhưng để đạt được dược tính tốt nhất, thường thu hái vào mùa thu đông. Củ có hình trụ dẹt, kích thước không đồng đều, có các chồi và rễ con mọc ra như mấu. Mặt ngoài có màu nâu, bên trong có màu trắng hoặc nâu đỏ nhạt, hình dáng hơi tròn dài. Khi sờ vào, củ có chất bột, khi cắt lát có độ dai và khó bẻ gãy, khi nhúng vào nước thì trơn và dính.
Dược liệu tươi khi mang về sẽ được rửa sạch, cắt hết rễ con xung quanh thân rễ và được sơ chế theo nhiều cách. Có thể để nguyên và phơi hoặc sấy khô cả củ. Đôi khi có thể ngâm nước nóng vài phút, sau đó thái lát và phơi khô. Hoặc có thể ủ củ trong 3 ngày để củ mềm và thái lát mỏng, sau đó phơi ngoài nắng hoặc sấy khô.
Tác dụng của củ Khúc khắc
Thành phần hóa học, tác dụng dược lý
Cây Khúc khắc chứa flavonoids, flavonoid glycosides, saponin, steroids, tannin và chất nhựa. Các nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy cây Khúc khắc có những tác dụng sau:
- Trong củ Khúc khắc có chứa astilbin, có tác dụng làm giảm acid uric trong máu của chuột. Chất catalase có thể giảm stress oxy hóa do tình trạng tăng acid uric máu.
- Cải thiện tình trạng viêm và stress oxy hóa trong thận của chuột bị bệnh thận do acid uric, thông qua thúc đẩy sự bài tiết acid uric.
- Có thể là chất chống oxy hóa và chống viêm tự nhiên trong điều trị độc thận do chì.
- 6 loại flavonoid (astilbin, neoastilbin, isoastilbin, neoisoastilbin, engeletin, epicatechin) có khả năng chống oxy hóa và kháng viêm.
- Thành phần glycoprotein có khả năng kháng virus và chống tăng sinh.
- Dịch chiết cồn từ củ Khúc khắc cho thấy khả năng chống dị ứng mạnh.
- Với liều nhỏ, nó còn kích thích sự tiêu hóa, nhưng đối với liều quá cao có thể gây nôn mửa, biếng ăn.
- Có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ gan trên chuột bị tổn thương gan.
Khúc khắc trong Y học cổ truyền
- Tính vị, quy kinh: Vị hơi ngọt, nhạt, hơi chát, tính bình; quy kinh Can, Vị.
- Công năng, chủ trị: Có công dụng thanh nhiệt trừ thấp, khử phong thấp, lợi gân cốt, giải độc. Chữa tiêu chảy, đau nhức xương khớp, vết thương mụn nhọt khó lành…
- Liều dùng: Sắc uống từ 10-60g.
- Dùng ngoài: Tán mịn đắp lên, liều lượng thích hợp.
Lưu ý khi sử dụng Khúc khắc
Người có bệnh Can thận âm hư không nên hoặc cần thận trọng khi sử dụng dược liệu này.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng, nếu:
- Bạn đang mang bầu hoặc cho con bú.
- Bạn dị ứng với bất kỳ chất nào của Khúc khắc hoặc các loại thuốc, thảo dược khác.
- Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác.
Một số bài thuốc kinh nghiệm có Khúc khắc
Chữa bệnh vảy nến
- Hạ khô thảo nam 80-120g.
- Khúc khắc 40-80g.
- Cả hai chất trên sắc với nước 500ml trong 3 giờ ở nồi hấp 150°C, được 300ml chia thành 3-4 lần uống trong ngày.
Trị triệu chứng phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi gối
- Bài thuốc 1: Khúc khắc 20g, Tục đoạn, Dây đau xương, Cốt toái bổ, Cẩu tích mỗi vị 12g. Sắc 1 thang chia làm 3 lần trong ngày. Nên uống trước bữa ăn 1 giờ.
- Bài thuốc 2: Khúc khắc 20g, Hy thiêm, Cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g, Ngưu tất, Ngải cứu, Thương nhĩ tử mỗi vị 12g. Sắc 1 thang chia làm 3 lần trong ngày.
Trị bệnh thấp khớp
- Khúc khắc, Hy thiêm, Ké đầu ngựa, Thạch cao, Ngạch mễ mỗi loại 20g.
- Ý dĩ, Tri mẫu, Liên kiều, Đan sâm, Tang chi, Phòng phong, Bạch thược mỗi vị 12g.
- Thương truật, Quế chi mỗi loại 8g.
- Kê huyết đằng, Ngân hoa, Tỳ giải mỗi loại 16g.
- Cam thảo 6g.
- Sắc mỗi ngày 1 thang chia uống 2-3 lần.
Chữa đau thần kinh tọa
- Sử dụng Khúc khắc 30g, Khoan cân đằng 20g, Ngưu tất nam 20g, Tầm gửi dâu 20g, Cốt toái bổ 10g.
- Sắc mỗi ngày 1 thang chia uống 3 lần.
Khúc khắc có nhiều tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn về chỉ định, liều lượng và thời gian dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như tránh các tác dụng không mong muốn. Hãy tránh tự ý sử dụng thuốc.
Nguồn: Chơi cây cảnh – Nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh