Cây Dong Riềng
NỘI DUNG
- 1 Danh pháp
- 2 Mô tả cây
- 3 Sinh thái
- 4 Phân bố
- 5 Bộ phận dùng
- 6 Thu hái, chế biến Dong riềng đỏ
- 7 Thành phần hóa học
- 8 Tác dụng dược lý của Dong riềng đỏ
- 9 Tính vị, quy kinh của vị thuốc Dong riềng đỏ
- 10 Công dụng và liều dùng trong Y học
- 11 Một số bài thuốc có Dong riềng đỏ
- 11.1 Bài thuốc hỗ trợ trị viêm gan cấp tính
- 11.2 Bài thuốc chữa té ngã bầm tím, bong gân
- 11.3 Bài thuốc giúp điều trị rong kinh cho phụ nữ
- 11.4 Bài thuốc điều trị chướng bụng cho trẻ em
- 11.5 Bài thuốc cầm máu vết thương
- 11.6 Bài thuốc chữa viêm tai giữa cấp ứ mủ
- 11.7 Bài thuốc chống các bệnh về tim từ dong riềng đỏ
- 12 Những lưu ý khi dùng vị thuốc
- 13 Tài liệu tham khảo
Danh pháp
Tên khoa học
Dong riềng đỏ có rất nhiều danh pháp đồng nghĩa với nhau nhưng thường được gọi dưới tên khoa học:
Canna edulis red (Canna indica Linnaeus)
Tên tiếng Việt
Dong giềng đỏ ,khoai riềng đỏ, khoai đao đỏ, khương vu đỏ
Phân loại khoa học
Giới: Plantae
Bộ: Zingiberales
Họ: Cannaceae
Chi: Canna
Loài: C. indica
Mô tả cây
Dong giềng đỏ là một loại cây mọc thẳng, thân thảo, sống lâu năm, tạo ra các cụm thân cao từ 0,9-1,8m và có thể cao tới 3m với các lá lớn dài tới 60 cm và rộng 18 cm. Cây có hình dáng hơi giống một cây chuối nhỏ. Thân cây phát triển từ một thân rễ rất lớn, dày, chứa nhiều tinh bột.Toàn thân và thân rễ (củ) có màu xanh tía. Lá hình phiến thuôn dài 0,5m, rộng 20-25cm, gân giữa to và các gân phụ song song hiện rõ trên mặt lá. Hoa màu đỏ, lưỡng tính, không đều mọc thành cụm ở ngọn cây. Đài chia làm 3 thùy, tràng có ống dài. Quả nang có nhiều gai mềm, bên trong có hạt hình cầu đen.
Sinh thái
Dong riềng đỏ là một loài thực vật thuộc vùng nhiệt đới. Thích hợp để trồng ở vùng cận nhiệt đới và cũng có thể được trồng ở một số nơi ấm của vùng ôn đới vào mùa hè. Cây phát triển tốt nhất ở những nơi có nhiệt độ khoảng 20-30°C nhưng cũng có thể chịu đựng được ở nhiệt độ 9-32°C. Cây sinh trưởng chịu được sương giá nhẹ và cây có thể trồng ở những vùng có tuyết rơi vào mùa đông. Cây thích nghi ở lượng mưa trung bình hàng năm trong khoảng 1.200 – 1.700mm, có thể chịu được lượng mưa trung bình từ 250 – 4.000mm. Dong riềng đỏ có thể được trồng ở bất kì loại đất nào, phù hợp với độ pH trong khoảng 5,5 – 6,5, chịu được độ pH 4,5 – 8.
Cây thường chết trong những tháng lạnh, chỉ để ra lá và nở hoa trong những tháng ấm hơn như mùa thu.
Phân bố
Phân bố Dong riềng đỏ trên thế giới
Dược liệu có nguồn gốc xuất phát ở Nam Mỹ. Phạm vi phân bố từ Nam Mỹ – Argentina, về phía bắc qua Nam Mỹ và Trung Mỹ đến Mexico; Caribbean.
Tại Việt Nam
Cây dong riềng đỏ mọc hoang hay được trồng ở khắp nơi để lấy tinh bột ăn được hoặc làm thức ăn gia súc, chế thuốc. Được tìm thấy phổ biến ở các tỉnh bắc bộ nước ta như Bắc Cạn, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La.
Bộ phận dùng
Hoa, lá, thân, thân rễ (củ), chồi non, hạt.
Thu hái, chế biến Dong riềng đỏ
Cây dong riềng đỏ được thu hái khắp các thời điểm trong năm. Thân rễ (củ) thường được đào trong khoảng 10 – 12 tháng kể từ lúc gieo mầm.
Hoa và thân sau khi thu hoạch rửa sạch rồi phơi khô. Củ Dong riềng đỏ có thể dùng ăn sống hoặc nấu chín sau khi đào. Chồi non có thể nấu chín và ăn như một loại rau xanh
Tại Mỹ, người ta còn dùng hạt giống chưa trưởng thành của cây nấu trong một số loại bánh như bánh ngô béo (fat tortillas).
Thành phần hóa học
Trong rễ tươi cây dong riềng đỏ có chứa khoảng 25% tinh bột. Sấy khô rễ (củ), ta thu được phần khô chứa khoảng 75 – 80% tinh bột, 6 – 14% đường, 1 – 3% protein, nhiều kali, ít canxi và phốt pho cùng các thành phần khác: chất béo, chất xơ, nguyên tố vi lượng.
Tác dụng dược lý của Dong riềng đỏ
Theo Tây y:
- Giúp giãn vi mạch, tăng tưới máu cơ tim, giảm huyết áp.
- Tránh thiếu máu tim và nhồi máu cơ tim, rối loạn thần kinh, suy mạch vành .
- Giảm triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực thậm chí đau ngực.
- Hỗ trợ điều trị bệnh nhân suy tim, làm sạch lòng mạch.
- Hỗ trợ điều trị bệnh về ruột, gan, thận.
Theo Đông y:
- Rễ Dong riềng đỏ giúp an thần, giáng áp, thanh nhiệt, lợi thấp.
- Lá Dong riềng đỏ có tác dụng làm dịu, giảm kích thích.
Tính vị, quy kinh của vị thuốc Dong riềng đỏ
Theo Đông y, củ dong riềng đỏ có vị cam, tính lương. Quy vào kinh: Tâm, Can, Thận
Dong riềng đỏ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ áp, lợi huyết, bổ tim.
Công dụng và liều dùng trong Y học
Công dụng trong Y học
Theo Đông y và Tây y, dược liệu Dong riềng đỏ có một số công dụng chính như sau: Hỗ trợ bệnh nhân sơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch vành do xơ vữa, lợi tiểu, chống nhồi máu cơ tim, tăng cường chức năng tim, giảm huyết áp.
Liều dùng Dong riềng đỏ
Mỗi ngày dùng với liều lượng 60g bằng cách nấu ăn hoặc sắc uống.
Một số bài thuốc có Dong riềng đỏ
Bài thuốc hỗ trợ trị viêm gan cấp tính
Rễ dong riềng đỏ 60g. Thái nhỏ và sắc uống thường xuyên trong nhiều tuần.
Bài thuốc chữa té ngã bầm tím, bong gân
Giã nát 60g củ Dong riềng đỏ và đắp hoặc bó lại lên vùng chấn thương.
Bài thuốc giúp điều trị rong kinh cho phụ nữ
Hoa đỗ quyên 10g, củ dong riềng đỏ 60g hầm với 1 con gà.
Bài thuốc điều trị chướng bụng cho trẻ em
Rửa sạch, giã nát, sao nóng hoa khoai riềng, kim tiền thảo mỗi vị 20g. Sau đó đắp lên vùng bụng.
Bài thuốc cầm máu vết thương
Sắc hoa dong riềng đỏ 20g để uống.
Bài thuốc chữa viêm tai giữa cấp ứ mủ
Sấy khô, tán bột hạt dong riềng đỏ và rắc vào bên trong tai thường xuyên trong 3 – 4 ngày.
Bài thuốc chống các bệnh về tim từ dong riềng đỏ
Sắc 100g lá dong riềng đỏ. Dùng thường xuyên mỗi ngày
Những lưu ý khi dùng vị thuốc
Trong dong riềng đỏ có ít tanin dễ gây táo bón cho một số người nhạy cảm khi ăn khoai riềng.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.