Cây đẳng Sâm – Một loại dược liệu quý
Cây đẳng sâm là một loại dược liệu quý và được ưa chuộng sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Mỗi quốc gia lại gọi đẳng sâm với một cái tên khác nhau như Fatigmans (Thụy Điển), Cordonkilikke (Nauy), Dang Shen Giseng (Trung Quốc)…
Ở Việt Nam, đẳng sâm cũng có nhiều tên gọi vô cùng đa dạng theo dân tộc, vùng miền như mần cáy, rần cáy, đông đảng sâm, xuyên đảng sâm, lộ đảng sâm, phòng đảng sâm, sâm rừng, sâm ngọc linh, hồng đẳng sâm…
NỘI DUNG
Đẳng sâm – Cây có tên khoa học Codonopsis sp
Cây đẳng sâm có tên khoa học là Codonopsis sp, thuộc loài thân cỏ, dây leo với tuổi thọ khá lâu năm. Tùy vào môi trường sống, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý mà thân cây đẳng sâm có thể mọc leo lên cây/vật khác hoặc mọc lan trên nền đất.
Loài cây này được tìm thấy nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Đẳng sâm rừng thường mọc ở các khu vực núi cao như Lạng Sơn, Hòa Bình, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La…
Cây đẳng sâm có tên khoa học là Codonopsis sp, thuộc loài thân cỏ, dây leo
Mô tả cây Đẳng sâm
Cây đẳng sâm rừng có thân màu xanh lục nhạt hơi ngả tím. Lá cây mọc đối nhau và có đầu nhọn ở gần gốc lá, lá có phiến mỏng hình tim, chiều dài từ 3 – 8cm, chiều rộng từ 2 – 4cm, mép hơi khía răng hoặc lượn sóng, lá có màu xanh lục ở mặt trên và trắng xám ở mặt dưới.
Hoa thường mọc riêng ở kẽ lá, cuống hoa dài từ 2 – 6cm, đài được chia thành 5 phiến hẹp, tràng hình chuông với màu hơi vàng hoặc trắng, vân tím ở họng, gồm 5 thùy, 5 nhị, chỉ nhị khá dẹt.
Quả nang hình cầu với 5 cạnh mở, đầu quả bẹt, phía trên xuất hiện túm lông hình nón. Rễ cây hình trụ với đường kính từ 1,5 – 2cm, rễ mọc phân nhánh với phần đầu phình to, nhiều sẹo lồi. Hoa cây đảng sâm nở từ tháng 10 – 11, cây ra quả từ tháng 12 – 2.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Giá trị của hồng đẳng sâm nằm ở bộ rễ của cây. Rễ được thu hoạch vào mùa đông, sau khi mang về sẽ đem đi rửa sạch và cắt thành từng khúc nhỏ, loại bỏ rễ con và đầu rễ. Tiếp đó người ta phân loại rễ và sấy nhiệt độ thấp hoặc phơi nắng nhẹ cho rễ hơi khô lại. Tiếp tục làm mềm rễ rồi sấy nhẹ hoặc phơi tới khi rễ khô hẳn. Rễ cây đẳng sâm có chứa các thành phần hóa học quan trọng như protein, vitamin, saponin, alkaloid và đường.
Tác dụng của đẳng sâm
Tác dụng của đảng sâm đã được khẳng định trong y học hiện đại và y học cổ truyền. Đó là những công dụng tuyệt vời như hạ đường huyết, tăng miễn dịch, kháng khối u…
Theo y học cổ truyền
Rễ cây đẳng sâm rừng có tính bình và vị ngọt với nhiều công dụng như giải khát, bổ tỳ, ích khí, kiện vị, sinh tân dịch. Ngoài ra người ta còn dùng rễ đẳng sâm để điều trị vàng da, dong huyết, thiếu máu, sa tử cung, lòi dom, cơ thể suy nhược mệt mỏi, phế khí hư nhược, đại tiện lỏng, kém ăn, tỳ vị suy kém. Bên cạnh đó, loại dược liệu này cũng có tác dụng tiêu đờm, lợi tiểu, chữa ho, bổ dạ dày.
Rễ cây đẳng sâm rừng có tính bình và vị ngọt với nhiều công dụng trong y học cổ truyền
Theo y học hiện đại
Công dụng của đảng sâm – Loài Codonopsis pilosula
- Ức chế các khối u: Polysaccarit từ đảng sâm đã được chứng minh là có khả năng ức chế và chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư biểu mô tuyến dạ dày và tế bào ung thư biểu mô tế bào gan ở người. Độc tính tế bào của polisaccarit pectic tác động lên ung thư biểu mô tuyến phổi ở người A 549 sẽ được biểu hiện rõ rệt tùy vào liều lượng sử dụng.
- Hạ đường huyết: Uống polysaccarit chiết xuất từ hồng đẳng sâm được cho là có công dụng hạ đường huyết khá hiệu quả nhờ vào việc cải thiện khả năng kháng insulin. Nghiên cứu này đã được thử nghiệm trên chuột mắc bệnh tiểu đường.
- Đẩy lùi lão hóa: Sử dụng polysaccarit lấy từ đẳng sâm rừng theo đường uống trong vòng 8 tuần đã được chứng minh là có khả năng làm chậm và ngăn ngừa quá trình lão hóa. Tác dụng này có thể đến từ công dụng loại bỏ các gốc tự do cũng như nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
- Bảo vệ niêm mạc dạ dày: Phần hòa tan trong nước của rễ cây đẳng sâm có khả năng bảo vệ khá tốt niêm mạc dạ dày, cải thiện tình trạng niêm mạc bị tổn thương do sử dụng rượu bia nhiều.
- Tác động lên hệ tuần hoàn: Chiết xuất từ dung dịch đẳng sâm giúp bảo vệ tổn thương tái tưới máu thiếu máu cục bộ sau khi trải qua phẫu thuật ghép thận.
- Nâng cao hệ miễn dịch: Theo thử nghiệm thực tế sau 6 ngày sử dụng theo đường uống polysaccarit từ phòng đẳng sâm cho thấy ảnh hưởng lên chuột bị ức chế miễn dịch do cyclophosphamide.
Công dụng của đẳng sâm – Loài Codonopsis lanceolata
- Chống oxy hóa: Nghiên cứu cho thấy khả năng chống oxy hóa khá hiệu quả của chiết xuất cồn từ đẳng sâm C. lanceolata thông qua việc loại bỏ các gốc tự do.
- Bảo vệ gan: Tác dụng của đẳng sâm trong việc bảo vệ gan đã được y học hiện đại chứng minh. Cụ thể chuột bị tổn thương gan do rượu đã được cho uống chiết xuất cồn của C. lanceolata trong thời gian 8 tuần và cho thấy hiệu quả tích cực.
- Hoạt tính sinh học khác: Khi phân lập Acid oleanolic từ C. lanceolata, các nhà khoa học nhận thấy khả năng thúc đẩy quá trình khắc phục hư hại DNA và bảo vệ DNA trước các tổn thương do tia UV gây ra.
Công dụng của đẳng sâm theo y học hiện đại
Một số vị thuốc từ cây Đảng sâm
Cách dùng đẳng sâm rất đa dạng, tùy vào tình trạng bệnh mà có các bài thuốc và liều lượng sử dụng đẳng sâm khác nhau.
- Điều trị tiểu gắt, đau lưng mỏi gối, suy thận, bồi bổ cơ thể: 0,5g tiểu hồi, 250ml rượu 40 độ, 1g trần bì, 6g tắc kè, 1g huyết giác, 20g đẳng sâm. Cắt nhỏ các vị thuốc trên và ngâm với rượu trong khoảng 1 tháng. Uống 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần 30ml.
- Điều trị đại tiện lỏng, ăn không ngon miệng, suy nhược cơ thể: 20g đẳng sâm, mỗi loại 12g đối với đương quy, ba kích, bạch truật sao. Sắc lấy nước uống hoặc tán thành bột mịn và hoàn thành viên thêm mật ong, dùng 12 – 20g/ngày.
- Điều trị bệnh suy yếu của người ốm lâu ngày, người cao tuổi:40g đẳng sâm, mỗi loại 12g đối với các vị thuốc long nhãn, mạch môn, đương quy, ngưu tất. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.
- Điều trị sắc mặt vàng, mệt mỏi, ho nhiều đờm: 6g xuyên tiêu, 8g trần bì, 8g bán hạ chế, 12g bạch truật, 16g mỗi vị thuốc gồm ý dĩ, hoài sơn, đẳng sâm. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.
- Điều trị chứng khó tiêu, chán ăn: 4g cam thảo, 12g bạch truật, 8g phục linh, 16g đẳng sâm, sắc lấy nước uống.
- Điều trị ho gà ở trẻ nhỏ: 8g long nhãn nhục hoặc ngũ vị tử, 8g bạch truật, 8g đảng sâm. Sắc lấy nước uống.
- Điều trị bạch huyết mãn tính: 8g ngũ vị tử, 6g cam thảo, 16g đẳng sâm và 12g mỗi vị thuốc gồm hoàng tinh, sa sâm, mạch môn, hà thủ ô, đương quy, thục địa, hoàng kỳ, bạch truật.
Một số bài thuốc từ rễ cây đẳng sâm
Lưu ý khi sử dụng đẳng sâm
- Hỏi ý kiến tư vấn của thầy thuốc hoặc bác sĩ về hiệu quả điều trị, cách dùng và liều dùng tốt nhất với tình trạng bệnh hiện tại
- Không nên kết hợp đẳng sâm mà không theo công thức, đặc biệt là với các dược liệu họ hắc
- Tránh sử dụng quá liều nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dẫn đến các tác dụng phụ
- Kết hợp dùng thuốc và ăn uống nghỉ ngơi, luyện tập khoa học để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất
- Kiên trì sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ thì thuốc mới phát huy hết công dụng
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú
- Nhiều người thắc mắc rằng ai không nên dùng đẳng sâm? Vị thuốc này không phù hợp với các đối tượng như trẻ em dưới 1 tuổi, người bị khí trệ, hỏa vượng hay có dấu hiệu dị ứng với các thành phần của thuốc.
Nhìn chung đảng sâm là một vị thuốc từ thiên nhiên với nhiều công dụng tuyệt vời. Mặc dù vậy loại dược liệu này cũng có chỉ định, chống chỉ định cùng với một số tác dụng phụ. Do đó Medigo khuyên bạn không nên tự ý sử dụng theo kinh nghiệm dân gian. Đừng quên chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích nhé.
Chơi cây cảnh – Nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh