Dáng Cây Thác Đổ – Tạo Dáng Bonsai Đẹp Như Mơ
Rất nhiều người mong muốn có một cây cảnh bonsai tạo dáng thác đổ độc đáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự tin và biết cách làm điều này. Để giúp bạn, hôm nay Chơi cây cảnh – Nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh sẽ chia sẻ cách tạo dáng cây bonsai thác đổ đẹp như mơ. Hãy cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé.
NỘI DUNG
Dáng cây cảnh thác nước đổ là gì?
Trong nghệ thuật chơi bonsai, dáng cây là một yếu tố quan trọng mà người chơi cần chú ý. Hiện nay, có những dáng cơ bản phổ biến như trực, xiêu, hoành, dáng bay và huyền. Các dáng này được phân loại dựa trên độ nghiêng của cây so với mặt đất. Trong đó, dáng huyền bao gồm các dáng như dáng đổ, dáng thác đổ, Full Cascade,…
Cây cảnh dáng huyền có nghĩa là những cây mọc trên các sườn núi dạng dốc đứng. Kiểu này có các nhánh thấp nhất trong các dáng. Những nhánh này thường thấp hơn đáy chậu. Trong các loại dáng huyền, việc tạo dáng cây sao cho giống như một ngọn thác chảy qua ghềnh đá là đẹp nhất.
Thế cây cảnh dáng thác đổ là thế kiểng cổ ít thấy. Ở dáng này, phần thân cây sẽ nằm bò qua miệng chậu, giống như cây bị một trận cuồng phong xô ngã xuống ao. Do đó, phần ngọn cây sẽ bẻ cong, thòng xuống thấp hơn cả đáy chậu. Tuy nhiên, chúng vẫn có dáng mềm mại và mọc vươn lên theo từng bậc, đầy sức sống.
Cách tạo dáng cây cảnh thác đổ như nghệ nhân
Để tạo dáng bonsai thác đổ đẹp, người chơi cây cần cẩn thận từng bước. Dưới đây là các giai đoạn cụ thể:
Chọn phôi
Tìm được một phôi cây tạo dáng thác nước là vô cùng khó. Điều này làm cho việc tạo dáng bonsai thác đổ trở nên không đơn giản. Vị trí cây mọc tự nhiên theo dáng thác đổ không nhiều, chủ yếu tập trung ở các vách núi. Đa số người chơi cây sẽ chọn loại cây trực lắc, có hình chữ C để tạo dáng thác đổ.
Cách nuôi cây từ phôi
Sau khi chọn được phôi như ý, nếu tạo dáng đổ ngay thì cây sẽ phát triển rất chậm, đặc biệt là ở phần rễ và ngọn cây. Bởi tại khu vực này, tán cây sẽ không nhận được nắng gió nhiều. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên trồng cây thẳng lên như dáng trực lắc. Ở giai đoạn đầu, không cần cắt tỉa nhiều mà nên để cây phát triển cành và chồi tự nhiên. Điều này giúp cây có bộ rễ tơ nhiều và mạnh.
Cách xử lý bộ rễ của cây
Sau khi cây đã phát triển tốt và có bộ rễ khỏe mạnh, bạn nới bộ rễ lên dần và bắt đầu trồng cây nghiêng dần. Hãy thực hiện từng giai đoạn dài để cây có thể thích nghi tổng thể. Nếu đổ càng sâu, thời gian cây phát triển càng lâu. Bởi phần ngọn cuối sẽ phát triển rất ít.
Đồng thời, bạn cần cắt bỏ các rễ to không cần thiết và rễ chọc lên trời. Hãy chọn vị trí cành và cắt cành để xác định hướng tàn sau này. Trong quá trình nuôi cây, bộ rễ sẽ nổi lên dần. Lúc này, bạn có thể cải quanh bộ rễ để giữ ẩm. Điều này giúp bộ rễ không bị nắng cháy và có thể thích nghi từ từ.
Để bộ rễ nổi lên cao, cách đơn giản nhất là cắt một miếng nhựa mỏng để chứa chất trồng cho rễ. Sau này, khi rễ mọc dài, bạn hạ bớt chất trồng xuống cho rễ lộ ra.
Cách uốn cây cảnh tạo dáng thác đổ
Dưới đây là chia sẻ cách tạo dáng cây Bonsai thác đổ của nghệ nhân Trần Thắng, một nghệ nhân cây cảnh nổi tiếng ở Hồ Chí Minh.
Nuôi các chi từ số hai trở đi trước
Đầu tiên, bạn không nên cho cây đổ ngay. Hãy nuôi các chi từ số hai trở đi trước. Khi bộ tàn đã được định hình, cây mới có thể đổ, sau đó bạn mới nuôi đến chi số một. Nhờ ưu thế về phần ngọn, chi số một sẽ nhanh chóng bắt kịp các chi khác và phát triển theo mong muốn.
Để có bảy chi, bạn cưa khúc vào các vị trí đã định. Hãy làm cho cây nảy mầm tại vị trí mà bạn muốn. Khi mầm cây lớn lên, bạn không cần ghép ngay lúc đó. Bởi lúc này, bộ rễ vẫn chưa được xử lý xong. Hãy đợi cho đến khi cắt xong ba cái rễ chĩa lên trời thì mới có thể ghép lá nhỏ.
Tiến hành ghép lá
Khi ghép lá, tại vị trí số ba sẽ có hai nhánh mọc song song và có cùng kích thước. Thay vì cắt bớt một nhánh, bạn nên để lại và ghép lá nhỏ luôn. Tức là tại thời điểm này có tới tám mắt ghép. Phần ngọn thác đổ từ số bốn trở đi vẫn còn yếu, có khả năng chết nên cần giữ nguyên hai nhánh ở vị trí số ba để dự phòng.
Trong trường hợp ngọn cây bị chết, bạn có phương pháp thay thế ngay lúc đó. Sau này, khi cây khoẻ mạnh, bạn có thể cắt bỏ chi thừa.
Riêng với chi số một, chồi cây sẽ không mọc ngay tại chỗ ghép mà mọc từ phía sau. Cuối cùng, bạn cần kéo chồi từ phía sau để gấp vòng lên phía đỉnh cho đúng vị trí. Bạn cũng sẽ thấy phần gốc của chi số một có phần thịt bị lồi ra. Tuy nhiên, trong tổng thể, phần thịt lồi này không ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cây.
Kỹ thuật hạn chế sinh trưởng
Trong nghệ thuật chơi cây cảnh Bonsai, kỹ thuật hạn chế sinh trưởng rất quan trọng. Nó biến một cây ngoài thiên nhiên cao lớn thành một cây chỉ vài ba cm được trồng trong chậu. Bạn cần sử dụng các chất ức chế thực vật và kỹ thuật bón phân, tưới nước một cách hợp lý.
Bón thêm vôi (Ca) và ít nước tưới sẽ tạo nên tình trạng khô hạn, khiến cây sinh trưởng chậm và nhanh già. Bên cạnh đó, bạn cần bón thêm một lớp phân lân đúng cách để cây vẫn khỏe và lá vẫn xanh.
Nguyên tắc cắt tỉa cây cảnh dáng thác đổ
Để giữ cây luôn có dáng thác đổ như mong muốn, nguyên tắc cắt tỉa cũng vô cùng quan trọng. Đối với một cây kiểng Bonsai, việc cắt tỉa cần được duy trì suốt đời sống của cây. Dưới đây là các nguyên tắc cắt tỉa mà bạn cần lưu ý:
- Các nhánh nhỏ dần lên trên. Các nhánh cần được phân bổ theo hình xoắn ốc quanh phần thân, tán lá tạo hình khối chóp.
- Cắt bỏ nhánh thừa (vị trí xấu, vô ích, héo, chết).
- Cắt một nhánh nếu có hai nhánh mọc đối nhau.
- Những nhánh lớn, quá dài cần cắt bớt.
- Cắt bỏ những chồi mọc đứng từ cành.
- Không nên chọn chồi mảnh mai làm đầu của cành lớn.
- Vết cắt ngọt, chéo và lõm vào thân để mặt cắt nhanh chóng làm sẹo.
Cách chăm sóc cây cảnh có dáng thác đổ
Sau khi biết cách tạo dáng cây bonsai thác đổ, bạn cần biết cách chăm sóc cây để chúng được đẹp và phát triển tốt nhất. Dưới đây là một số điều quan trọng mà bạn cần lưu ý:
Đất trồng
Bạn có thể sử dụng nhiều loại đất cùng một lúc nhưng không được trồng thành nhiều lớp. Hãy trộn đều chúng lên. Trong quá trình trộn, cần nhặt sạch cát mịn và chỉ để lại những hòn đá nhỏ và thô. Công thức đất trồng cho cây cảnh như sau:
- Với cây đã sống khỏe: 70% cát hạt lớn, 10% Tro trấu đen và than tổ ong 20%. Hoặc 30% tro trấu, 20% mụn dừa, 30% cát to và 20% dớn lan.
- Với cây phôi mới: 100% cát.
Tưới nước và bón phân
Bạn chỉ nên tưới nước khi cây thực sự cần. Khi tưới, hãy làm từ từ và đưa nước từ trên xuống. Đối với việc bón phân, cần thực hiện đầy đủ theo lịch và mục đích khác nhau.
Như vậy, đây là những hướng dẫn về cách tạo dáng cây cảnh thác đổ đẹp như một nghệ nhân thực thụ. Tạo dáng cây bonsai thác đổ là một công việc khó, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kỹ thuật cao. Tuy nhiên, nếu bạn yêu cây cảnh và kiên nhẫn thực hiện, bạn sẽ thành công.