Cây Thông Thảo
Thông thảo là một vị thuốc có công dụng thông sữa và lợi tiểu. Thông thảo hình trụ màu trắng với phần lõi rỗng. Vị thuốc có ngoại hình đặc biệt này còn được dùng trong nhân dân với công dụng hạ sốt, chữa phù. Bài viết này trình bày cụ thể về Thông thảo cũng như công dụng và cách dùng của nó.
NỘI DUNG
Thông thảo là gì?
Thông thảo còn có tên gọi khác là Thông thoát, Mạy lầu đông (Tày), Co táng nốc (Thái). Tên khoa học của nó là Tetrapanax papyriferus (Hook.) C. Koch. Thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).
Mô tả cây
Đây là một cây nhỏ thường cao 3m có khi tới 6m. Thân của nó cứng nhưng giòn. Ở giữa thân có lõi trắng xốp. Cây cành già, lõi càng đặc và chắc hơn.
Lá to, chia thành nhiều thuỳ có khi cắt sâu, mép lá có răng cưa to. Cuống lá dài 30cm, đường kính 1cm có lõi mềm. Phiến lá dài 30cm-90cm.
Hoa của màu trắng hình cầu, cụm hoa hình tán tụ thành chùm. Quả dẹt gần hình cầu
Ở nước ta, cây Thông thảo mọc hoang dại ở những nơi ẩm thấp vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Loài cây này có thể được trồng bằng cách gieo hạt hoặc chia gốc. Nếu trồng bằng cách gieo hạt thì mùa thu hái quả chin về phơi khô, sang xuân đem gieo. Sau một tháng thì cây mọc. Sau 1 năm có thể đem cây con về để trồng. Trồng bằng cách chia gốc thì vào mùa đông, cuốc cho tơi đất xung quanh gốc. Sang năm tới cây sẽ cho nhiều cây con, khi vừa đủ lớn thì đem đi trồng chỗ khác.
Vị thuốc Thông thảo
Vị thuốc Thông thảo có hình trụ, dài 20 cm đến 40 cm, đường kính 1 cm đến 2,5 cm. Mặt ngoài của nó có màu trắng hoặc vàng nhạt, có rãnh dọc nông. Thông thảo nhẹ, chất mềm, xốp, hơi có tính đàn hói, dỗ bẻ gãy, mặt bè phẳng, có màu trắng bạc, sáng bóng. Phần giữa có tâm rỗng, đường kính 0,3 cm đến 1,5 cm. Hoặc có màng mỏng trong mờ, sắp xếp hình thang khi nhìn trên mặt cắt dọc. Ruột đặc ít thấy, không mùi, vị nhạt.
Thành phần dược liệu
Hiện chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về hoạt chất trong Thông thảo. Mới chỉ thấy có báo cáo tìm thấy 17 steroid từ thân của lài cây này.
Thu hái và chế biến
Người ta chặt lấy thân cây vào mùa thu, cắt thành từng đoạn dài 20 cm đến 40 cm. Đem phơi hơi héo. Sau đó dùng gậy gỗ tròn gần bằng lõi để đẩy lõi ra, để cho thoáng, phơi khô. Khi đem dùng phải loại tạp chất và thái lát.
Tác dụng của Thông thảo
Theo Y học cổ truyền, cây có tác dụng lợi tiểu, hạ sốt, lợi sữa. Dùng chữa chứng phù, tiểu tiện khó khăn, phụ nữ sau sinh ít sữa.
Y học hiện đại chưa có nhiều nghiên cứu về vị thuốc này. Một nghiên cứu mới cho thấy cây có tác dụng kháng viêm thực nghiệm trên Chuột tổn thương thần kinh toạ.
Cách sử dụng Thông thảo
Thường dùng Thông thảo với liều từ 3 g đến 5 g/ ngày. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán thành bột, làm viên. Thông thường phối hợp với các vị thuốc khác để tại thành bài thuốc.
Kiêng kị: Người không có triệu chứng nóng trong người hoặc bị đi tiểu nhiều thì không được dùng. Phụ nữ có thai không được dùng dươc liệu này.
Lưu ý khi sử dụng Thông thảo
Theo GS. Đỗ Tất Lợi, người ta còn cũng gọi và dùng gỗ phơi khô của cây dút (Aeschynomene aspera L.) là thông thảo. Ở nước ta, người dân còn khai thác với tên thông thảo một số loài cây thụôc họ Ngũ gia bì (Araliaceae) như Trevesia palmate (đu đủ rừng) và một số cây khác cùng họ có thân rỗng xốp. Khi dùng vị thuốc Thông thảo, cần phân biệt kĩ để tránh nhầm lẫn.
Các bài thuốc từ Thông thảo
Bài thuốc lợi sữa
Dùng Thông thảo 10g, Cám gạo nếp 10g, Hạt bông (sao vàng) 15g, Nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày
Chữa chứng phù, tiểu ít, nóng trong người
Thông thảo, Cù mạch, Thiên hoa phấn, Liên kiều đều 10g, Cát cánh, Sài hồ, Mộc thông, Thanh bì, Bạch chỉ, Xích thược đều 8g, Cam thảo 3g, sắc uống ngày 1 thang.
Tóm lại, Thông thảo là vị thuốc có công dụng lợi tiểu, thông sữa. Tuy nhiên vị thuốc này kị thai, người không có nóng trong người và tiểu nhiều thì không được dùng. Những thông tin trong bài viết mang tính chất thường thức, khi muốn sử dụng Thông thảo để trị bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.