Cây Ráy Thủy Sinh
Ráy là một trong số những loài cây thủy sinh được tìm mua nhiều nhất. Lý do là bởi chúng cũng là một trong số những loài cây thủy sinh dễ chăm sóc nhất, thú thật là giết ráy còn khó hơn là chăm sóc chúng. Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ như là các loại ráy có màu trắng như ráy cẩm thạch, pinto,… sẽ khó chăm sóc hơn.
Ráy hiện nay được bán tại gần như mọi cửa hàng thủy sinh với nhiều loại với kích thước, hình dáng cũng như màu sắc lá khác nhau. Trong bài viết này mình sẽ nói về cách chăm sóc cho ráy cũng như các loại ráy phổ biến bạn có thể tìm mua được hiện nay.
NỘI DUNG
- 1 Cách chăm sóc cho ráy thủy sinh
- 2 Cách trồng ráy
- 3 Các loại ráy thủy sinh
- 3.1 1. Ráy lá thường/ ráy châu phi (Anubias barteri)
- 3.2 2. Ráy nana (Anubias barteri var. Nana)
- 3.3 3. Ráy nana petite (Anubias barteri var Nana “Petite”)
- 3.4 4. Ráy pinto (Anubias Barteri var. Nana Pinto)
- 3.5 5. Ráy nana white
- 3.6 6. Ráy Lá Vàng Mini (Anubias Barteri “Golden Nana”)
- 3.7 7. Ráy lá tròn (Anubias Barteri var. ‘Round leaf’)
- 3.8 8. Ráy cà phê (Anubias barteri “Coffeefolia”)
- 4 9. Ráy lá đại (Anubias gigantea)
Cách chăm sóc cho ráy thủy sinh
Ráy với tên tiếng anh là anubias, được đặt tên theo vị thần chết Hy Lạp, chúng có thể được tìm thấy tại những con sông và suối thuộc Tây và Trung Phi. Ráy nổi tiếng là loài sống khỏe, bạn có thể trồng trong những bể chiếu sáng ít và không cần phải sử dụng đến CO2. Nếu bạn có thể cho cây ánh sáng vừa đủ thì cây sẽ ra lá dày, xanh và to hơn.
Cây thích cường độ ánh sáng ít đến vừa. Nếu bạn chiếu sáng quá nhiều thì sẽ có thể dễ dàng khiến cho cây gặp các vấn đề về rêu hại. Tùy thuộc vào loại cây mà lá ráy có thể to 15cm hay chỉ hơn 1cm. Ráy là loài lớn chậm, chúng cần phải mất 4-6 tuần để có thể phát triển một lá hoàn chỉnh.
Ráy là thực vật biểu sinh. Tức là chúng không mọc trên đất nền như là các loại cây khác. Nếu như cây được trồng dưới nền thì thân của chúng sẽ nhanh chóng bị thối và chết.
Cách trồng ráy
Thông thường bạn có thể gắn cây lên đá và lũa bằng chỉ hoặc bằng sợi cước. Tuy vậy, Để có thể buộc cây vào đá hay lũa thì cần phải tỉ mỉ và sẽ tốn nhiều thời gian. Cách dễ nhất để có thể trồng ráy thủy sinh này là sử dụng keo dán thủy sinh chuyên dụng.
Cách trồng cây thủy sinh gắn đá/lũa:
1. Khi bạn mới mua cây về thì cây thường được để trong cốc nhỏ với bông cuốn quanh thân và rễ cây. Đầu tiên bạn cần phải nhấc cây ra khỏi cốc một cách nhẹ nhàng, sau đó gỡ bông ra khỏi thân và rễ, càng sạch càng tốt. Bạn cũng có thể gỡ bông ra bằng cách rửa cây dưới vòi nước. Khi gỡ cây ra, bạn có thể sẽ thấy 2-3 cây trong một cốc.
2. Xác định phần thân cây, đây sẽ là phần bạn gắn vào đá hoặc lũa. Nếu bạn muốn trồng cây xuống dưới nền cũng được nhưng bạn chỉ được vùi rễ xuống bên dưới và không bao giờ được vùi toàn bộ thân cây. Các loại cây này khi bị vùi cả thân xuống dưới thì sẽ bị rữa.
3. Xác định nơi bạn sẽ gắn cây vào.
4. Lau khô cây bằng khăn hoặc giấy ăn.
5. Mở tuýp keo thủy sinh ra, sử dụng phần nhọn ở phía trên nắp để chọc phần miệng tuýp.
6. Bóp một lớp keo mỏng lên trên mặt đá. Sau đó bạn nhấn thân cây vào và giữ nguyên như vậy trong vòng 1 đến 2 phút. Khi keo khô thì cả thân và rễ cây sẽ bám chặt vào đá.
7. Sau đó bạn hãy tìm tảng đá hoặc thanh lũa tiếp theo để gắn cây vào và lặp lại như vậy. Bạn hãy cố gắn hết cây trong vòng 10 đến 15 phút bởi vì cây thủy sinh sẽ bị khô rất nhanh.
8. Khi đã xong thì bạn có thể đặt lũa và đá vào trong bể. Cây thủy sinh sau đó sẽ tiếp tục phát triển mọc ra thêm rễ và lá mới.
Các loại ráy thủy sinh
Hiện nay tại thị trường Việt Nam bạn có thể tìm được những loại ráy là:
1. Ráy lá thường/ ráy châu phi (Anubias barteri)
Ráy lá thường (lazada) là một trong những dòng ráy có lá to với cuống tương đối dài, vậy nên bạn có thể cân nhắc sử dụng cây trồng trung cảnh hoặc hậu cảnh. Ráy châu phi có khả năng chịu được nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Cây có thể sống được trong những bể ít ánh sáng và không có CO2. Khi được cung cấp nhiều sáng cộng với CO2 thì cây sẽ phát triển nhanh và to hơn, có thể cao đến 20-30cm.
Ráy lá thường thích có dòng nước chảy trên mặt lá, bởi dòng nước có thể giúp ngăn ngừa rêu hại phát triển trên đó.
2. Ráy nana (Anubias barteri var. Nana)
Ráy nana (lazada) là một trong những loại ráy phổ biến và được ưa chuộng nhất. Lá cây có kích thước nhỏ hơn nhiều so với ráy lá thường, vào khoảng 2.5cm-4cm, có dạng hình trứng. Hiện nay trên thị trường có các loại ráy nana như là ráy nana thái, nana tàu, nana sing,… Về căn bản chúng nhìn tương đối giống nhau, chỉ những người có kinh nghiệm một tẹo mới có thể phân biệt được.
3. Ráy nana petite (Anubias barteri var Nana “Petite”)
Ráy nana petite là một dòng nhỏ hơn của ráy nana. Chúng là loại ráy có lá nhỏ nhất với kích thước chỉ lên tới 2cm hoặc là nhỏ hơn. Điểm khác biệt không chỉ nằm ở kích thước lá mà còn ở mật độ lá. Lá cây của nana petite sẽ dày hơn nhiều so với ráy nana.
Hơn hết nữa, ráy nana petite có giá thành đắt hơn so với ráy nana thường.
4. Ráy pinto (Anubias Barteri var. Nana Pinto)
Ráy nana pino là loài ráy nana có những mảng trắng có dạng vân cẩm thạch. Đây cũng là một loại ráy phát triển chậm nhưng chúng sẽ yêu cầu mức độ chăm sóc cao hơn. Để trồng cây thì bạn phải cho cây ánh sáng mạnh hơn. Cây không cần CO2 nhưng thêm CO2 cho bể sẽ giúp cây phát triển nhanh, lan mạnh hơn.
5. Ráy nana white
Ráy nana white là dòng cây có màu trắng nhiều và chiếm hầu hết lá. Cây vẫn sẽ có những mảng xanh nhưng ít hơn nhiều so với dòng pinto. Để trồng cây thì bạn cần phải cung cấp cho cây ánh sáng trung bình cộng với CO2 để giúp bù đắp lại diệp lục bị thiếu hụt trên lá cây.
6. Ráy Lá Vàng Mini (Anubias Barteri “Golden Nana”)
Đây là một biến thể khác của dòng ráy nana với lá có màu xanh ngả vàng tươi. Giống như các loại ráy khác, ráy lá vàng mini không yêu cầu quá cao về thông số nước. Chúng có thể sống tốt trong những môi trường nghèo sáng và không cần CO2.
7. Ráy lá tròn (Anubias Barteri var. ‘Round leaf’)
Giống như tên gọi, dòng ráy lá tròn (lazada) có kích thước trung bình, tương đương với ráy lá thường có thể cao từ 10-20cm nếu được cung cấp cho môi trường sống tốt. Lá cây có có hình tròn với cuống lá dài. Cây không cần nhiều ánh sáng và thường được trồng tại khu vực trung cảnh.
8. Ráy cà phê (Anubias barteri “Coffeefolia”)
Đây là một trong những dòng ráy yêu thích nhất của mình. Cây có tên gọi như vậy bởi lá của chúng có hình dạng tương tự như lá cây cà phê với bản lá to, gân lá rõ cùng với màu xanh đậm. Cuống lá có thể có màu đỏ đậm.
Ráy cà phê (lazada) là dòng ráy có kích thước lớn, có thể cao đến 30cm, phù hợp để trồng hậu cảnh hoặc là trung cảnh trong những bể to.
9. Ráy lá đại (Anubias gigantea)
Giống như tên gọi, ráy lá đại là dòng ráy thủy sinh có kích thước lớn nhất. Với chỉ riêng lá cây cũng có thể lớn hơn 30cm và rộng tới 15cm. Cây có thể lớn hơn 45cm nếu được trồng trong môi trường sống hợp lý.
Bạn nên trồng ráy lá đại chung với những loài ăn rêu để tránh việc lá cây bị rêu hại xâm chiếm.
10. Ráy lá trái tim (Anubias gracilis)
Ráy lá trái tim có lá nhọn, có hình dạng lưỡi mác hoặc là như trái tim. Ráy lá trái tim có thể cao đến 20cm. Cây có cuống lá dài hơn nhiều so với các loại ráy khác.
Ráy lá trái tim khi mọc trên cạn sẽ có lá dài, cao và to hơn khi mọc thủy sinh. Cây cũng sống khỏe và không cần nhiều ánh sáng cũng như CO2.
11. Ráy lá dài (Anubias Minima)
Ráy lá dài có lá dài mảnh và nhỏ, khác so với ráy nana, loại ráy có lá ngắn và hình trứng. Ráy lá dài là loại ráy có kích thước trung bình, có thể dài đến hơn 20cm.
12. Ráy lưỡi hổ cẩm thạch (Anubias Glabra)
Bạn muốn nuôi dòng ráy cẩm thạch nhưng không muốn bỏ vài trăm nghìn để mua một chậu cây? Dòng ráy cẩm thạch là lựa chọn tốt dành cho bạn. Ráy lưỡi hổ cẩm thạch là loại ráy bé với họa tiết cẩm thạch trắng xen lẫn màu xanh trên mặt lá. Ráy lưỡi hổ cần ít dinh dưỡng cũng như ánh sáng và CO2.
13. Ráy dây leo (Rhaphidophora sp beccarii.)
Đây là dòng ráy chưa được phổ biển lắm nhưng bạn vẫn có thể tìm mua được tại Việt Nam. Cây ráy này có nguồn gốc từ những khu vực rừng mưa ở Đông Nam Á. Loại ráy này khác chi so với các dòng ráy ở bên trên. Cây có dạng thân dài với lá mảnh, nhỏ, dài khoảng 3cm. Cây phát triển bằng cách mọc bò trên lũa và đá như là dây leo.
Cây không cần nhiều ánh sáng cũng như CO2.