Cây Rau Mác
Rau mác có vị ngọt, hơi đắng và tính mát. Không chỉ được sử dụng để chế biến món ăn, thảo dược này còn được tận dụng để trị nổi mề đay mẩn ngứa, mụn nhọt sưng đau, rối loạn tiêu hóa do ăn uống,…
Hình ảnh cây rau mác – Loại thực vật mọc dại nhưng chứa nhiều vi chất dinh dưỡng và có tác dụng dược lý phong phú
-
Tên gọi khác: Từ cô
-
Tên khoa học: Sagittaria sagittifolia L
-
Tên dược: Herba Sagittaria Sagittifolia
-
Họ: Trạch tả (danh pháp khoa học: Alismataceae)
Mô tả dược liệu rau mác
1. Đặc điểm thực vật
Rau mác là cây thân thảo, sống lâu năm, thân cây nằm bên trong lòng đất và có xu hướng phát triển thành củ. Phiến lá có hình mũi mác thuôn dài, cuống lá dài và có 3 mũi nhọn. Hoa có màu trắng, nhụy trắng, quả bế và dẹp.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây.
3. Phân bố
Loài thực vật này sinh sống ở các nước có khí hậu á nhiệt đới và nhiệt đới ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Ở nước ta, cây mọc nhiều các những nơi có bùn như ruộng, ao đầm hoặc đầm lầy.
4. Thu hái – sơ chế
Cây được thu hái chủ yếu vào mùa hè. Sau đó rửa sạch và phơi khô dùng dần. Củ được thu hái vào mùa đông để chế biến thành món ăn.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ vừa phải, thoáng mát, tránh nhiệt độ cao, nơi ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp.
6. Thành phần hóa học
Rau mác chứa nhiều đường, tinh bột, calcin, carotene, vitamin C, nước, protid, cellulose, phốt pho, glucid,…
Vị thuốc rau mác
1. Tính vị
Vị hơi đắng, ngọt, tính mát và có độc ít.
2. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
-
Tác dụng: Trừ thấp, chỉ thống (giảm đau), giải độc và thanh nhiệt.
-
Chủ trị: Cầm máu, trị chứng đau đầu, chóng mặt sau khi sinh, ho, ho ra máu, trĩ, lậu, hôi nách, mụn lở,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
-
Chưa có nghiên cứu.
4. Cách dùng – liều lượng
Rau mác có thể được dùng bằng cách xào, nấu canh, luộc, sắc uống hoặc dùng ngoài. Không có liều dùng cụ thể cho dược liệu này, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng chính xác.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây rau mác
Cây rau mác được dùng để trị mề đay mẩn ngứa, rắn cắn, hôi nách, rối loạn tiêu hóa do thức ăn,…
1. Bài thuốc chữa mề đay mẩn ngứa
-
Chuẩn bị: Củ mài và củ rau mác bằng lượng nhau.
-
Thực hiện: Đem cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và đem phơi khô hoàn toàn. Sau đó đem tán thành bột mịn và thoa lên da hằng ngày.
2. Bài thuốc chữa hôi nách và chứng tăng tiết mồ hôi
-
Chuẩn bị: 1 ít rau mác non.
-
Thực hiện: Đem rau rửa sạch, sau đó giãn nát và lấy nước cốt thoa vào nách. Sáng sớm sau khi ngủ dậy, dùng nước cốt chanh xát vào nách và rửa sạch.
3. Bài thuốc chữa mụn nhọt gây sưng đau
-
Chuẩn bị: 1 ít lá mác rửa sạch.
-
Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên mụn nhọt. Sau đó dùng vải băng kín lại, cứ 2 giờ thay 1 lần. Thực hiện 3 lần/ ngày trong 2 – 3 ngày sẽ khỏi hẳn.
4. Bài thuốc chữa phù thũng
-
Chuẩn bị: Rễ thủy xương bồ 12 (thái nhỏ) và cả cây rau mác 20g (phơi khô).
-
Thực hiện: Đem sắc với 500ml nước, đun nhỏ lửa còn lại 150ml. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
5. Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa do thực phẩm
-
Chuẩn bị: 100 rễ củ rau mác.
-
Thực hiện: Rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài và giã nát, vắt lấy nước cốt và chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Nên thực hiện liên tục trong 2 – 3 ngày, đồng thời cần ăn cháo đậu xanh để giải độc.
-
Lưu ý: Nếu ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.
6. Bài thuốc chữa khí hư
-
Chuẩn bị: 1 ít mật ong, 30g rễ củ rau mác giã nhuyễn.
-
thực hiện: Trộn đều 2 nguyên liệu sau đó đem hấp cách thủy cho chín, ăn khi thuốc còn nóng. Thực hiện liên tục trong vòng 7 ngày.
7. Bài thuốc chữa rắn cắn
-
Chuẩn bị: 1 ít rễ củ hoặc lá rau mác.
-
Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch, giã nát và cho thêm nước vào. Gạn lấy nước, uống và dùng bã đắp xung quanh vết cắn.
-
Lưu ý: Sau khi sơ cứu cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu rau mác
Hiện tại chưa có ghi nhận tác dụng phụ và những điều cần kiêng cử khi áp dụng bài thuốc từ rau mác. Tuy nhiên dược liệu này chứa một ít độc tính nên bạn cần thận trọng khi sử dụng.
Rau mác không chỉ là loại rau đơn thuần mà còn có tác dụng chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, phù thũng,… Để tác dụng của dược liệu phát huy tối đa và giảm nguy cơ các tác dụng phụ, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp