Cây Phụ Tử
Phụ tử từ lâu là một vị thuốc quý trong Đông y với vai trò là dược liệu ôn thận tráng dương, giảm đau, tán hàn hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến e ngại khi sử dụng thảo dược này bởi độc tính của nó đối với cơ thể con người. Bài viết sau của bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của Phụ tử.
Giới thiệu về Phụ tử
- Tên gọi khác: Hắc phụ, Cách tử, Thục phụ tử…
- Tên khoa học: Radix Aconiti lateralis praeparata.
- Họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
- Phụ tử là rễ củ con đã phơi hay sấy khô của cây Ô đầu (Aconitum fortunei Hemsl. hoặc Aconitum carmichaeli Debx.).
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Trên thế giới, cây Ô đầu phân bố rải rác ở vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu, Ấn Độ, Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây cũng đã bắt đầu được trồng ở Sa Pa, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang.
Rễ củ thu hoạch vào mùa thu (khoảng vào tháng 8, trước khi hoa nở), khi trời nắng ráo, đào về, loại bỏ rễ củ mẹ và rễ tua, thu lấy rễ củ con (Phụ tử). Sau đó rửa sạch chế biến thành Diêm phụ tử, Hắc phụ tử, Bạch phụ tử…
Mô tả toàn cây
Cây thân thảo cao 0,6 – 1 m, thân mọc thẳng đứng, có lông ngắn. Rễ củ mập hình con quay, rễ cái to mang nhiều rễ nhỏ, mặt ngoài nhẵn, màu đen.
Lá mọc so le, phiến lá rộng 5 – 12 cm, xẻ thành 3 thùy. 2 thùy 2 bên xẻ làm 2, thùy giữa lại xẻ thành 3 thùy con nữa, không đều, mép có răng nhọn. 2 mặt có lông ngắn, mặt dưới nhạt hơn.
Hoa màu xanh tím, mọc sít nhau, thành cụm hoa dài 6 – 15 cm. Lá bắc nhỏ. Bao hoa gồm 5 bộ phận trong đó có 1 cái hình mũ, 2 – 5 tuyến mật. Nhị nhiều, bầu có 3 ô, chứa nhiều lá noãn.
Quả mỏng như giấy, dài 2 – 3mm, hạt có vảy ở trên mặt.
Bộ phận làm thuốc bào chế
Bộ phận của cây Ô đầu làm thành vị thuốc Phụ tử là rễ củ con đã phơi hay sấy khô.
Rễ củ hình con quay, dài 3,5 – 5 cm, phía trên to, đường kính 1,5 – 2,5 cm, có vết nối với củ mẹ, không có vết của thân cây, phía dưới nhỏ dần. Mặt ngoài màu nâu đen, có nhiều nếp nhăn dọc, vòng quanh phần trên củ có một số nhánh lồi lên như cái bướu. Chất cứng chắc, khó bẻ. Vết cắt màu nâu xám. Vị nhạt, sau hơi chát và hơi tê lưỡi.
Sau khi bào chế gồm các loại: Diêm phụ tử, Hắc phụ tử, Bạch phụ tử.
Diêm phụ tử:
- Rễ củ con, loại to, rửa sạch bỏ vào vại, thêm magnesi clorid, muối ăn và nước (cứ 100 kg Phụ tử dùng 40 kg magnesi clorid, 30 kg muối ăn, 60 lít nước), ngâm 10 ngày, lấy ra phơi khô rồi lại cho vào vại. Cứ thế, ngày phơi, tối ngâm nước sâm sấp trên củ. Thỉnh thoảng thêm magnesi clorid, muối ăn, nước để đảm bảo nồng độ ban đầu.
- Cuối cùng vớt ra phơi nắng để muối thấm tới phần giữa củ. Mặt ngoài thấy kết tinh trắng là được. Trước khi dùng thái lát mỏng 5 mm, rửa nước đến hết vị cay tê, đem phơi hoặc sấy khô (độc bảng B).
Hắc phụ tử:
- Rễ củ con loại trung bình, rửa sạch, cho vào vại, thêm magnesi clorid, nước ngâm vài ngày (100 kg Phụ tử dùng 40 kg magnesi clorid, 20 lít nước).
- Sau đó đun sôi 2 – 3 phút, lấy ra rửa sạch, để cả vỏ, thái lát mỏng theo chiều dọc, dày khoảng 5 mm. Lại ngâm trong nước magnesi clorid.
- Cuối cùng thêm đường đỏ và dầu hạt cải để tẩm đến khi lát mỏng có màu nước chè đặc. Sau đó rửa nước đến hết vị cay, phơi hoặc sấy khô.
Bạch phụ tử:
- Rễ củ con loại nhỏ, rửa sạch cho vào vại, ngâm trong nước magnesi clorid vài ngày (pha như trên).
- Sau đó đun tới chín đến giữa củ, lấy ra bóc vỏ bỏ. Thái lát mỏng theo chiều dọc, dày khoảng 3 mm. Rửa hết vị cay tê, hấp chín, phơi khô, xông hơi diêm sinh, rồi phơi đến khô.
Đạm phụ tử:
- Lấy Diêm phụ tử ngâm nước, mỗi ngày thay 2 – 3 lần cho hết muối. Cho vào nồi cùng Cam thảo, Đậu đen nấu với nước cho thấm, đến khi cắt ra, nếm mà lưỡi không thấy cay, tê thì thôi.
- Sau đó lấy ra, bỏ hết Cam thảo, Đậu đen, cạo bỏ vỏ, chẻ làm 2 miếng, cho vào nồi, thêm nước, nấu độ 2 giờ. Khi Phụ tử chín thì lấy ra, để cho ráo, lại ủ cho mềm rồi cắt miếng, phơi khô là được.
Mô tả dược liệu
Diêm phụ tử:
- Hình dùi tròn, dài khoảng 6,6cm, đường kính 3,3cm. Đầu củ rộng, chính giữa có vết mầm trở xuống, thân trên béo, đầy, chung quanh có phần nổi lên như cái bướu, thường được gọi là Đinh giác.
- Bên ngoài màu đen tro, bao trùm bột muối. Thể nặng, chỗ cắt ngang màu nâu tro, có những đường gân lệch hoặc giữa ruột có khe hổng nhỏ, trong đó có muối. Không mùi, vị mặn mà tê, cay. Loại củ lớn, cứng, bên ngoài nổi bật muối là tốt (Dược Tài Học).
Hắc phụ tử:
- Những miếng cắt dọc không giống nhau, trên rộng, dưới hẹp, dài 2 – 4 cm, rộng 1,6 – 2,6 cm, dày 0,5 cm. Ngoài vỏ màu nâu đen, trong ruột màu vàng mờ, nửa trong suốt, sáng bóng, thấy được đường gân chạy dọc.
- Chất cứng giòn, chỗ vỡ nát giống như chất sừng. Không mùi, vị nhạt. Lựa thứ đều, bên ngoài có dầu nhuận sáng là tốt (Dược Tài Học).
Bạch phụ tử:
- Giống Hắc phụ phiến nhưng toàn bộ đều màu trắng vàng, nửa trong suốt, miếng mỏng hơn, dài 0,3 cm.
- Không mùi, vị nhạt. Lựa thứ phiến đều, màu trắng vàng, dầu nhuận, nửa trong suốt là tốt (Dược Tài Học).
Bảo quản
- Đựng dược liệu trong lọ kín, tránh ẩm, để nơi khô mát.
- Phụ tử là thuốc độc bảng A.
- Diêm phụ, Hắc phụ, Bạch phụ là thuốc độc bảng B.
Thành phần hóa học
Có rất nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học của Phụ tử:
- Mesaconitine, Hypaconitine (Dược Học Học Báo 1965, 12 (7) : 435).
- Higenamine, Demethylcoclaurine, Coryneinechloride, Methyldopa hydrochloride (Nhật Bản Dược Học Hội 1978, (5) : 163).
- Isodephinine, Aconitine, Benzoylmesaconine, Neoline, Fuziline, 15a-Hydroxyneoline (Trương Địch Hoa, Trung Thảo Dược 1982, 13 (11) : 481).
- Salsolinol (Trần Địch Hoa, Dược Học Học Báo 1982, 17 (10) : 792).
- Karakoline, Beiwutine, 10-Hydroxymesaconitine (Vương Cát Chi, Dược Học Học Báo 1985, 20 (1) : 71).
Công dụng
Y học hiện đại
- Kháng viêm: thuốc sắc Phụ tử cho súc vật viêm khớp uống hoặc chích màng bụng đều có tác dụng chống viêm.
- Tác dụng nội tiết: làm giảm lượng Vitamin C ở vỏ tuyến thượng thận chuột đồng hay tăng tiết vỏ tuyến thượng thận và tăng chuyển hóa đường, mỡ và protein, nhưng trên một số thí nghiệm khác thì tác dụng này chưa rõ (Chinese Herbal Medicin).
- Ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương: Acotinine với liều 0,1 – 0,2 mg/kg có tác dụng làm giảm phản xạ có điều kiện và không điều kiện và làm giảm nồng độ ammoniac ở não (Trung Dược Học).
- Vị thuốc có tác dụng làm tăng miễn dịch cơ thể (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Tăng huyết áp ở động vật được gây mê với liều lượng lớn, lúc đầu làm hạ sau lại làm tăng, tăng lực co bóp cơ tim, tác dụng cường tim rõ, tăng lưu lượng máu của động mạch đùi và làm giảm lực cản của động mạch, làm tăng nhẹ lưu lượng máu của động mạch vành và lực cản (Trung Dược Học).
Y học cổ truyền
Dược liệu có tính vị cay, nóng (đại nhiệt), có độc.
Quy kinh Tâm, Thận, Tỳ.
Công dụng: hồi dương cứu nghịch, bổ hoả trợ dương, giảm đau, loại trừ hàn tà.
Chủ trị: chứng vong dương, thoát dương (mồ hôi đột ngột vã ra đầm đìa, chân tay quyết lạnh, môi miệng tím tái, hơi thở yếu, thần trí mơ hồ, thậm chí hôn mê), chân tay lạnh, đau nhức xương khớp, lưng gối đau lạnh, chân tay phù nề, tiêu lỏng…
Cách dùng và liều dùng
Phụ tử sau khi bào chế, độc tính sẽ giảm.Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu Phụ tử chế theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo là 2,4 – 9 g, người mắc chứng hàn nặng có thể dùng 15 – 30 g.
Kiêng kỵ:
- Phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ em dưới 15 tuổi, sốt, nóng trong người, cơ thể suy yếu lâu ngày dẫn đến âm hư sinh nội nhiệt hay đang mắc các chứng nhiệt, chứng hỏa trong người.
- Không nên phối hợp với Bán hạ, Qua lâu, Bối mẫu, Bạch cập, Bạch liễm.
- Không uống rượu trước hoặc sau khi dùng Phụ tử.
Triệu chứng nhiễm độc Phụ tử: chảy nước miếng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, mạch chậm, khó thở, chân tay co giật, bất tỉnh, tiêu tiểu mất tự chủ, huyết áp và nhiệt độ đều hạ thấp, rối loạn nhịp tim…
Cách xử lý khi nhiễm độc:
- Trên lâm sàng dùng Atropin liều cao để làm giảm triệu chứng, hồi phục điện tâm đồ.
- Theo kinh nghiệm dân gian: hãm 5 đến 10 g Nhục quế cho uống. Nếu sau 15 phút không thấy bớt, cho uống thêm liều nữa. Hoặc Kim ngân hoa 80 g, Đậu xanh 80 g, Cam thảo 20 g, Sinh khương 20 g. Sắc, pha thêm đường uống.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
Trị các chứng tâm thận dương hư
(Cụ thể là chứng nôn, tiêu chảy, ra mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, mạch nhỏ khó bắt).
Phụ tử chế 12 g, Can khương 10 g, Chích thảo 4 g, sắc uống (Tứ nghịch thang -Thương hàn luận).
Trị chứng đau nhức xương khớp do lạnh, lưng lạnh
Quế chi 8 – 10 g, Phụ tử chế 4 – 10 g, Sinh khương 8 – 12 g, Chích thảo 4 – 8 g, Đại táo 2 – 5 quả, sắc uống (Quế chi phụ tử thang – Kim quỹ yếu lược).
Phụ tử chế, Bạch linh, Đảng sâm, Bạch truật, Thược dược đều 10 g, sắc uống (Phụ tử nên sắc trước 30 phút) (Phụ tử thang – Thương hàn luận).
Trị lạnh, phù thũng
Phụ tử chế 12 g, Nhục quế 4 g, Thục địa, Sơn dược đều 16 g. Sơn thù, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả đều 12 g. Tán bột, trộn mật làm viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12 g (Bát Vị Địa Hoàng Hoàn).
Phụ tử chế là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.