Cây Mai Dương

Loài cây mai dương-Mối đe dọa đối với hệ sinh thái

Ðồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cây mai dương. Hiện, loại cây này đã xuất hiện ở cả 12 tỉnh, thành phố trong khu vực. Bị xâm nhiễm nặng nhất là các tỉnh: Long An, An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp.

Tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Ðồng Tháp), diện tích đất bị cây mai dương xâm lấn lên đến 2.000 ha. Những nơi bị cây mai dương xâm lấn hoàn toàn thì hệ thực vật bản địa ở dưới tán cây sẽ dần biến mất. Chính vì điều này mà bãi cỏ năn – nơi đậu ưa thích của loài sếu đầu đỏ ngày càng bị thu hẹp.

Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim những năm qua suy giảm.

Tại khu vực Ðông Nam Bộ, cây mai dương được ghi nhận xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai và Tây Ninh. Trong đó, khu đất ngập nước tại Vườn quốc gia Cát Tiên (địa phận Ðồng Nai) đang chịu sự xâm hại và tác động nặng nề của cây mai dương đến sinh cảnh.

Tại khu vực hồ Trị An (Ðồng Nai) đến năm 2018, diện tích bị cây mai dương xâm lấn lên tới 17.000 ha.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền trung, vào năm 1997, toàn khu vực miền trung và Tây Nguyên có 212 trong tổng số 1.169 xã, phường của 18 tỉnh, thành phố nhiễm cây mai dương, với diện tích xâm nhiễm là 680 ha, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 37,78 ha.

Xem Thêm Bài Viết  Cây Sanh Dáng Trực

Hiện, tại mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng diện tích xâm nhiễm của mai dương tại khu vực này đã tăng nhiều lần. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Ðác Lắc, năm 2017 diện tích cây mai dương trên toàn tỉnh đã lên đến hơn 863 ha.

Tại các tỉnh phía bắc, cây mai dương cũng đã xuất hiện. Ông Dương Ngọc Thông, trú ở thôn Hợp Tân, Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cho biết, vào những năm 90 của thế kỷ trước, một số hộ dân sống ở vùng biên giới đã lấy cây mai dương về trồng. Lúc bấy giờ, người dân chỉ biết cây này có gai sắc nhọn, mọc nhanh, sống khỏe cho nên đem về trồng làm bờ rào.

Hiện cây mai dương đã mọc tràn lan ven đường, ven sông. Ngay cả ở những vùng đất cát sỏi và khu đất ngập nước cây mai dương cũng phát triển tốt. “Chúng tôi đang hết sức lo lắng bởi những vùng đất có cây mai dương mọc thì không có cây nào cạnh tranh được. Nhiều nương bãi bị cây mai dương xâm lấn người dân phải bỏ canh tác”, ông Thông nói.

Phó Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và Ða dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, với khả năng phát tán nhanh, cây mai dương khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ nhanh chóng lấn chiếm môi trường sống, ảnh hưởng các loài bản địa và hệ sinh thái nơi chúng xuất hiện.

Xem Thêm Bài Viết  Cây Mào Gà - Kỳ nghỉ mùa hè với hoa mào gà

Thời gian qua, nguy cơ loại cây này lấn chiếm đất nông nghiệp đang có xu hướng gia tăng tại các vùng đệm, lưu vực sông, các vùng bán ngập trong vùng chứa nước của các hồ thủy điện và các vùng bán ngập có điều kiện canh tác khó khăn.

Thực trạng này không chỉ làm mất dần đất canh tác mà còn làm tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi xâm lấn kênh mương, cây mai dương ngăn cản dòng chảy, ảnh hưởng các công trình tưới tiêu.

Sớm có giải pháp diệt trừ

Ở nước ta, từ những năm 2000 đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra các biện pháp diệt trừ cây mai dương. Nhiều phương án được triển khai, gồm: Biện pháp thủ công (nhổ, chặt, đốt), biện pháp hóa học (sử dụng thuốc diệt cỏ), biện pháp lâm sinh (trồng các cây bản địa tạo bóng để kìm hãm khả năng nảy mầm và phát triển cây mai dương non) và biện pháp sinh học (sử dụng các tác nhân phòng trừ sinh học).

Ðến nay, các biện pháp đều có hiệu quả nhất định nhưng chưa biện pháp nào cho thấy tác dụng lấn át, diệt trừ triệt để loại cây này.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Chiều, thấy được tác hại của cây mai dương, nhiều gia đình đã chặt phá. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, cây lại mọc lên dày đặc và lan rộng rất nhanh. Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân không gieo trồng cây mai dương làm hàng rào mà cần chặt bỏ, đốt cây, không để ra hoa, phát tán.

Xem Thêm Bài Viết  Cây Lộc Vừng

Phó Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và Ða dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, việc áp dụng đơn lẻ các biện pháp như nhổ bỏ thủ công, chặt, đốt, sử dụng thuốc hóa học…chỉ có thể làm giảm tức thời mật độ của cây mai dương.

Ðể diệt trừ cây mai dương, cần có các chương trình đầu tư dài hạn. Ðến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát, diệt trừ cây mai dương tại Việt Nam mới được thực hiện rải rác tại một vài địa phương và không có nguồn lực để duy trì lâu dài các hoạt động này.

Theo khuyến cáo của một số quốc gia như Ô-xtrây-li-a thì chương trình diệt trừ cây mai dương phải được duy trì ít nhất 15 năm mới có hiệu quả.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của cây mai dương đối với sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái, các bộ, ngành liên quan cần có sự nghiên cứu toàn diện về thực trạng và sớm đề ra các giải pháp quản lý, diệt trừ triệt để.

Các địa phương không nên chủ quan, lơ là; hằng năm phải có sự đánh giá thực tế cũng như các nguy cơ gây hại của cây mai dương. Theo các nhà khoa học, một giải pháp hữu hiệu diệt trừ cây mai dương là tiêu diệt chúng ngay từ nhỏ bằng cách nhổ bỏ cây con.

Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để cộng đồng biết về tác hại và cách diệt trừ loại cây nguy hiểm này.

Rate this post