Cây Lan Chi
Có thể kể đến là chữa trị các bệnh về hệ tiêu hóa, thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm nhuận phổi, tiêu sưng tán viêm, thanh lọc không khí,…
Để hiểu thêm về công dụng cũng như ý nghĩa đặc biệt của loại cây thân thảo này, đừng bỏ qua những thông tin hữu ích về cây lan chi dưới đây nhé.
1. Đặc điểm của cây lan chi
Cây lan chi có nhiều tên gọi khác nhau như cỏ lan chi, cây lục thảo trổ, cây mẫu tử, cây điếu lan, cây lan móc, cây cỏ lan hay cây dây nhện cũng là một trong số những tên gọi khác của cây này. Lan chi thuộc giống cây thân thảo, thường mọc thành bụi nhỏ với chiều cao trung bình từ 40-50cm. Điểm đặc biệt của loài cây này là chỉ có 1 thân rễ ngắn, rễ phát triển thành củ thịt dần phình to, dễ dàng tách ra khỏi thân cỏ.
Cây lan chi có 2 loại cơ bản: Lan chi lá dài và lan chi lá sọc. Lan chi lá dài nhìn giống lá hẹ và không bắt mắt bằng lan chi lá sọc, vì thế mà lan chi lá sọc được ưa thích trong cây cảnh hơn. Lá lan chi mọc sát đất, dạng hình giáo, kéo dài ở đầu, màu xanh bóng nổi rõ hai dải màu trắng dọc theo mép lá. Hoa lan chi khá nhỏ, mọc thành cụm. Cỏ lan chi có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, là loại cây ưa bóng râm, rất dễ bị héo, khô, mất màu nếu sống ở nhiệt độ, cường độ ánh sáng cao.
2. Vai trò của cây lan chi
Lan chi đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người bởi chúng mang đến cho người sở hữu nhiều công dụng tốt. Có thể kể đến là chữa trị các bệnh về hệ tiêu hóa như tiêu chảy. kiết lị, khó tiêu,… nhờ phần rễ “độc nhất vô nhị” của cây. Thân lan chi có thể dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm nhuận phổi, tiêu sưng tán viêm. Dùng thân cây giã nát, đắp ngoài vết thương có tác dụng làm lành vết thương.
Trái với vẻ ngoài nhẹ nhàng, có phần mỏng manh, cây lan chi được xem là “máy lọc không khí” thần kỳ. Theo các nhà khoa học, lan chi có khả năng thanh lọc không khí cực đỉnh, có thể hấp thụ tới 95% cacbonic, xử lý các khí độc hại từ các thiết bị điện thải ra, biến chất khí gây ung thư trong không khí như Aldehyde formic thành đường và amoni acid.
Bên cạnh những công dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe, lan chi còn là “bảo bối” trang trí nhà cửa, sân vườn, ban công, đặt trên bàn làm việc,… tiếp sức mạnh cho bạn mỗi ngày. Ngoài ra, cây lan chi cũng là 1 trong những món quà ý nghĩa để dành tặng người thân.
3. Ý nghĩa cây lan chi
Theo dân gian, cây lan chi là biểu tượng cho sức sống dẻo dai, kiên cường, bền bỉ theo năm tháng. Đó là sự mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước khó khăn cũng như không truy cầu danh lợi. Nếu mong muốn tìm kiếm một loại cây giúp xua đuổi ma quỷ, tà ma hay những điềm xấu trong cuộc sống thì đừng bỏ qua loại cây này. Bởi theo phong thủy, cây lan chi là lá bùa hộ mệnh cực tốt đem lại hạnh phúc, may mắn và tại vượng cho người sở hữu.
4. Cỏ lan chi hợp mệnh gì? Cây cỏ lan chi hợp tuổi nào?
Cây lan chi có màu xanh mướt mắt, vì vậy phù hợp với những người thuộc mệnh Thủy. Để phù hợp hơn, bạn nên chọn cây trồng màu xanh, theo phong thủy sẽ giúp mang đến thành công, tài lộc cho người trồng. Bên cạnh đó, lan chi cũng rất hợp với người tuổi Mùi. Tuổi Mùi đừng e ngại lựa chọn loại cây này nhé vì chúng có thể đem lại điều tốt lành cho cuộc sống của bạn đấy.
5. Cách chăm sóc cây lan chi
Để lan chi sinh trưởng tốt, phát huy được công dụng của mình, hãy đảm bảo bạn ghi nhớ những lưu ý chăm sóc dưới đây nhé:
– Ánh sáng: Vì cây cỏ lan chi thuộc nhóm cây ưa sáng hoặc chịu bóng một phần, do đó, đặt cây lan chi ở nơi có ánh sáng vừa đủ nếu không dễ bị cháy nếu trồng trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.
– Đất trồng: Đất dùng để trồng cây lan chi không cần quá cầu kỳ bởi cây không kén đất. Cây có thể sinh trưởng ở nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo đất có khả năng thoát nước tốt, pH trong khoảng 6.1-7.5
– Nước: Luôn giữ cho độ ẩm của đất luôn duy trì là cách tốt nhất giúp lan chi sinh trưởng tốt. Nếu nước bị nhiễm phèn thì không nên dùng, có thể thay thế bằng dung dịch nước cất hoặc nước mưa.
– Nhiệt độ: Cây lan chi phát triển tốt hoàn hảo ở nhiệt độ trung bình khoảng 18 – 24 ° C, phù hợp với nhiệt độ khí hậu nhiệt đới ở nước ta.
– Bón phân: Bón phân cho lan chi nếu không đầy đủ sẽ làm cây bị vàng, khô và già ở phần lá. Vào mùa sinh trưởng tốt nhất nên bón 2 tuần một lần phân nước. Những giống có hoa nên bón một ít đạm. Ngoài ra, nếu nhiệt độ môi trường dưới 4˚C, cần ngừng bón và tưới nước.
– Phòng sâu bệnh: Bạn nên lưu ý phòng chống sâu bệnh cho cây lan chi đặc biệt là bệnh thối rễ. Để tránh bệnh này, bạn cần tăng cường điều tiết phân bón, không nên tưới quá nhiều nước và nên để cây thông gió. Như vậy cây sẽ tránh được sâu bệnh và tình trạng vàng lá.
Theo thoidaiplus.giadinh.net.vn