Cây Hút Khí độc Trong Nhà
Cây lan ý (cây huệ bình)
Loài cây này đứng đầu bảng trong danh sách các loài cây lọc sạch không khí của cơ quan vũ trụ Mỹ. Không chỉ hấp thụ formaldehyde, benzen và trichloroethylene, nó còn hấp thụ cả xylene và toluene – hóa chất tìm thấy trong dầu hỏa.
Cây lan ý có tác dụng cân bằng trướng khí bằng cách hấp thu các nguồn năng lượng xung khắc trong nhà giúp cân bằng cơ thể, đó là các trường năng lượng bức xạ nhân tạo (phát ra từ máy tính, đài, đồng hồ, lò vi sóng, điện thoại và tivi. Do đó nên đặt cây gần những thiết bị này để trung hòa môi trường sống.
Lan ý cũng tốt cho những người mắc các chứng bệnh như mất ngủ, mệt mỏi, các bệnh cấp tính và mãn tính khác.
Vì hấp thụ được nhiều hóa chất, nên nó có thể đặt ở bất cứ đâu trong nhà.
Cây trầu bà
Giống như nhiều cây dây leo khác, trầu bà khắc phục tình trạng có khí formaldehyde, carbon monoxide và benzene trong nhà. Cây trầu bà thích hợp trồng trang trí trong văn phòng, nhà hàng, khách sạn, tại nhà hoặc môi trường có nhiều tiếng ồn.
Cây phất dụ
Loại cây này có thể lọc các loại khí xylene, formaldehyde, trichloroethylene vốn có nhiều trong các sản phẩm sơn mài, sơn dầu và chống thấm. Cây phất dụ phù hợp trồng trong văn phòng có trần nhà cao và ánh sáng mặt trời vừa phải.
Cây thường xuân
Loại cây dây leo này phát triển mạnh trong không gian nhỏ. Nó cũng phát triển tốt ở trong phòng có cửa sổ hay nắng nhạt.
Tán lá rậm rạp của thường xuân hấp thụ rất tốt formaldehyde (còn gọi là phoóc môn), một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất, vốn được sử dụng nhiều trong các vật liệu như gỗ dán, thảm, xốp cách điện và nhựa gỗ. Các vật liệu này sẽ thải ra formaldehyde rất chậm theo thời gian. Hít thở phải formaldehyde ở nồng độ cao có thể gây ra các kích thích mắt, làm chảy nước mắt và đau đầu, nóng trong cổ họng, khó thở và ung thư.
Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ rất quen thuộc, và thực sự sẽ gây ngộ độc nếu bạn ăn vào. Ngược lại, nó cũng có tác dụng giải độc, vì lọc được các khí như formaldehyde. Cây dễ sống, do vậy phù hợp với người ít có thời gian chăm sóc. Vì formaldehyde bay hơi chủ yếu từ các sản phẩm vệ sinh cá nhân, nên cây lưỡi hổ sẽ có hiệu quả nhất khi đặt trong nhà tắm.
Cây nha đam (lô hội)
Đây là cây thảo sống nhiều năm, lá màu xanh lục, không cuống, mọc sít nhau, dày, mẫm, hình 3 cạnh, mép dày, có răng cưa thô. Nha đam nổi tiếng nhất với khả năng làm lành vết thương. Gel trong lá cây này có thể làm dịu vết bỏng, vết cắt, vết côn trùng đốt và các dạng kích ứng da khác. Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm sạch không khí trong nhà. Nha đam dễ dàng hấp thu benzen và formaldehyde, aldehyde formic, cacbonic, cacbondioxit. Cây mọc tốt khi có nắng, vì vậy hãy để nơi cửa sổ có nắng chiếu tới.
Cây cọ cảnh
Cây cọ cảnh lọc được cả benzen và formaldehyde cũng như trichloroethylene – hóa chất dùng trong quá trình giặt khô. Vì thế, nó thích hợp để đặt trong phòng giặt khô, hoặc phòng có nhiều đồ có thể giải phóng formaldehyde, chẳng hạn phòng ngủ hoặc phòng khách. Cây thân cột, đơn độc, lá to dạng tròn, màu xanh bóng ở mặt trên. Lá dạng như cái quạt xoè ra.
Cây xương rồng càng cua
Ở phương tây, loài cây này được biết đến dưới cái tên Christmas Cactus – cây xương rồng cho lễ Giáng sinh. Dáng đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt, nó có khả năng loại trừ chất formaldehyde có trong đồ gỗ hay bàn ghế tủ trong nhà. Trái với quy luật như những loài cây khác, loại cây này chỉ nhả ôxi về đêm nên khuyến khích để trong phòng ngủ hay phòng xem tivi.
Cây sung cao su
Cây có lá to, tròn dai như cao su, mọc cao 2,4m, chịu được trong râm hoặc ngoài nắng. Cây có khả năng hấp thụ tốt nhất độc tố formaldehyd, đồng thời trung hòa formol thường có trong keo dán, các lớp cách nhiệt, tăng độ ẩm không khí. Thích hợp đặt trong văn phòng lớn, phòng họp, tiếp khách, tổ chức tiệc hay ngoài sân vườn…
Cây dây nhện
Cây dây nhện “ngoại hình” đẹp mắt có nguồn gốc Nam Phi, thân dài, cuối thân dây điểm hoa trắng nhỏ hình ngôi sao, có giống lá xanh tuyền hay lá xanh sọc trắng. Loài cây này bỗng trở nên “nổi tiếng” khắp thế giới vào năm 1984, khi mà Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA công bố nó có nhiều khả năng hút độc tố trong không khí.
Cây mẫu tử
Mẫu tử là loài cây phân bố rộng rãi từ châu Phi đến châu Mỹ, du nhập vào Việt Nam và được ưa chuộng bởi hình dáng lạ, thân chồi mập mạp, phiến lá dẹt màu xanh nhạt, bóng và cong xuống. Cây sống lâu năm, có khả năng loại bỏ các khí độc như Carbon monoxide, Xylene, Formaldehyde,… thích hợp đặt gần bình gas – nơi có carbon monoxide tích tụ.
Cây dương xỉ
Những loại cây hút khí cực độc nên trồng trong nhà như cây dương xỉ có thể hút khí aldehyde formic
Cây mọc bò dài, dựng đứng ở đầu, lá mọc dạng trái xoan nhọn hai đầu, gốc có bẹ ôm thân, mềm. Cây dương xỉ có thể hút khí aldehyde formic.
Thiết mộc lan
Đây là cây có lá mọc thành hình nơ (hoa thị), bóng và sẫm màu, phiến lá có sọc rộng nhạt màu hơn và ngả vàng ở phần trung tâm. Nó là loại cây bụi phát triển chậm với các lá dài. Thiết mộc lan có thể hút khí toluen và khí CO.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Lâm nghiệp, khả năng hấp thụ khí toluen sau 24h tiếp xúc (tính trên một đơn vị diện tích bề mặt lá) của thiết mộc lan là 1.3 µg/cm2, 2,7 µg/cm2 sau 72 giờ tiếp xúc.
Cây ngũ gia bì
Có tên khác là xuyên gia bì, thích gia bì, cao 2-3m, nhiều lá, thân trắng, vò dày. Vỏ có thể được dùng làm thuốc.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Lâm nghiệp, khả năng hấp thụ khí toluen sau 24h tiếp xúc của ngũ gia bì là 0,7 µg/cm2 và 1,2 µg/cm2 sau 72 giờ tiếp xúc.
Cây trúc mây
Cây dễ trồng, đẹp mắt. Cao 1-2 m, gốc có nhiều rễ phụ và chồi bên. Thân nhẵn, đốt đều đặn, mang nhiều bẹ khô do lá rụng để lại. Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, thích hợp làm cây trồng nội thất, giai đoạn còn nhỏ đòi hỏi phải che bóng, đất thoát nước tốt. Nhu cầu nước trung bình.
Cây lọc tốt amoniac, một chất rất hại cho hệ hô hấp, vốn là thành phần chính trong chất tẩy rửa, dệt may, và thuốc nhuộm.
Theo Gia đình & Xã hội