Hoàng đằng – Vị thuốc quý trong Đông y
Hoàng đằng, một vị thuốc quý được sử dụng trong Đông y, đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị tiêu chảy, viêm nhiễm… Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách sử dụng của loại dược liệu này.
NỘI DUNG
Giới thiệu về Hoàng đằng
- Tên thường gọi: Hoàng đằng, còn gọi là Nam hoàng liên, Dây vàng…
- Tên khoa học: Caulis et Radix Fibraurea.
- Họ khoa học: thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).
- Có 2 loài: Fibraurea tinctoria Lour và Fibraurea recisa Pierre.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Dược liệu Hoàng đằng có nguồn gốc từ Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á. Đây là cây ưa bóng khi còn nhỏ, phát triển tốt ở những vùng có đất ẩm ướt. Ở Việt Nam, loài cây này phổ biến ở Nghệ An, các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Dược liệu thường được thu hoạch vào mùa thu, khoảng tháng 8, tháng 9 hằng năm. Phần thân già và rễ sau khi thu hoạch sẽ được cạo sạch lớp bần bao phủ phía bên ngoài vỏ. Sau đó, chúng được cắt thành từng đoạn ngắn 15 – 20cm, phơi hoặc sấy khô và bảo quản dùng dần.
Phần thân già và rễ của cây được sử dụng để làm vị thuốc
Mô tả toàn cây
Loài Fibraurea recisa Pierre:
- Dây leo to, rất dày, có thể vươn tới ngọn cây lớn. Có rễ và thân già màu vàng, vỏ ngoài nứt nẻ. Thân non nhẵn màu lục.
- Lá mọc so le, dài 9 – 20cm, rộng 4 – 10cm, cứng, nhẵn. Phiến lá bầu dục, đầu nhọn, gốc lá tròn hay cắt ngang, có ba gân chính rõ. Mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới nhạt, cuống dài 5 – 14 cm, hơi gần trong phiến, phình lên ở hai đầu.
- Hoa nhỏ, màu vàng lục, đơn tính, khác gốc, mọc thành chùy dài ở kẽ lá đã rụng, phân nhánh hai lần, dài 30 – 40cm. 3 lá đài ngoài nhỏ hình trái xoan, hơi nhọn, 3 lá đài trong khum rộng và dài hơn. Cánh hoa 3, hơi rộng hơn lá đài trong. Bao phấn nhẵn, chỉ nhị rộng dài bằng bao phấn. Hoa đực có 6 nhị, hoa cái có 3 lá noãn.
- Quả hạch hình trái xoan, khi chín màu vàng, chứa một hạt dày hơi dẹt.
Loài Fibraurea tinctoria Lour khác loài trên ở chỗ:
- Lá có mũi nhọn rõ. Lá dài ngoài hình tam giác, phiến lá nham nhở, nhị 6 chỉ nhị dài hơn bao phấn.
- Cụm hoa ngắn hơn, ít phân nhánh.
Bộ phận làm thuốc bào chế
Phần thân già và rễ của cây được sử dụng để làm vị thuốc.
Hoàng đằng phiến: dược liệu được thái thành phiến vát, dày 1 – 3mm, phơi hoặc sấy khô. Nếu là rễ và thân khô thì đem ngâm, ủ mềm rồi thái phiến vát như trên, đem phơi hoặc sấy khô.
Hoàng đằng sao: lấy hoàng đằng phiến đem sao tới khô vàng.
Dược liệu có chất cứng, khó bẻ gãy, vị đắng
Mô tả dược liệu
Những đoạn thân và rễ hình trụ thẳng hoặc hơi cong, dài 10cm đến 30cm, đường kính 0,6cm đến 3cm. Mặt ngoài màu nâu, có nhiều vân dọc và sẹo của cuống lá (đoạn thân) hay sẹo của rễ con (đoạn rễ). Mặt cắt ngang có màu vàng gồm 3 phần rõ rệt: phần vỏ hẹp, phần gỗ có những tia ruột xếp thành hình nan hoa bánh xe, phần ruột ở giữa tròn và hẹp. Thể chất cứng, khó bẻ gãy, vị đắng.
Bảo quản
Vị thuốc nên được bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm hay mối mọt. Có thể cho vào túi nylon để bảo quản và sử dụng dần.
Thành phần hóa học
Hoạt chất trong Hoàng đằng là alcaloid, với chất chính là palmatin chiếm 1-3,5%, cùng một số thành phần khác như jatrorrhizin, columbamin và berberin. Ngoài ra, còn có tenophylloloside 3, fibleucinoside 4, fibraurinoside 5, fibleucine 1 và fibraucine 2.
Công dụng của Hoàng đằng
Y học hiện đại
Đa phần tác dụng dược lý của Hoàng đằng đến từ hàm lượng hoạt chất berberin trong nó. Các tác dụng bao gồm:
- Tăng độ đàn hồi cho mạch máu, ngăn ngừa sự hình thành của các mảng xơ vữa.
- Làm giảm chất béo triglyceride tích trữ tại gan, đồng thời làm giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu.
- Bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp tăng khả năng giãn nở và co bóp của tim. Hỗ trợ duy trì hoạt động của thần kinh giao cảm tại tim.
- Ức chế vi khuẩn, giúp điều trị chứng tiêu chảy hay viêm kết mạc do nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, thành phần palmatin cũng mang lại nhiều tác dụng khác:
- Ức chế vi khuẩn đường ruột (Streptococcus hemolyticus và Staphylococcus aureus). Tuy nhiên, tác dụng của nó yếu hơn các loại kháng sinh thông dụng hiện nay.
- Palmatin cũng có khả năng chống nấm, nhất là các loại nấm gây viêm nhiễm âm đạo.
- Giúp chống rối loạn nhịp tim, đồng thời hạ huyết áp ở những người huyết áp cao.
Ứng dụng từ chiết xuất hoạt chất của Hoàng đằng
Palmatin clorua chiết từ Hoàng đằng có thể dùng chữa đau mắt, ỉa chảy và lỵ. Đã có nghiên cứu chứng minh hiệu quả của palmatin clorua trong điều trị lỵ. Liều dùng tham khảo như sau:
- Người lớn: uống từ 4 đến 10 viên 0,02g mỗi ngày. Có thể tăng liều lên tới 20 – 30 viên/ngày.
- Trẻ em dưới 3 tuổi: dùng viên 5mg theo từng độ tuổi và liều lượng cụ thể.
Thành phần palmatin có trong Hoàng đằng mang lại nhiều tác dụng
Y học cổ truyền
Hoàng đằng có vị đắng và tính hàn. Theo y học cổ truyền, nó có các tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát trùng, giải độc, thông tiện. Chúng được sử dụng để chữa đau mắt, sưng viêm ruột, tiêu chảy, sốt rét, lỵ, lở ngứa ngoài da, viêm tai, dùng làm thuốc bổ, bệnh về gan, nóng trong người…
Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Liều lượng tham khảo dùng cho một ngày là 6 – 12g, sắc nước uống hoặc nấu nước rửa ngoài.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
Trị đau mắt đỏ có màng
- Hoàng đằng 4g và Phèn chua 2g. Các vị thuốc đem tán nhỏ rồi chưng cách thủy với nước. Gạn lấy nước trong và dùng để nhỏ mắt mỗi ngày 2 lần.
- Hoàng đằng 8g, Mật mông hoa 9g, Cúc hoa, Kinh giới, Long đởm thảo, Phòng phong, Bạch chỉ mỗi vị 4g, Cam thảo 2g. Sắc uống ngày 1 tháng. Uống khoảng 3 – 5 tháng (kinh nghiệm dân gian).
Trị viêm tai có mủ
- Hoàng đằng 20g và Phù phỉ 10g. Các vị thuốc đem tán thành bột mịn và trộn cho đều. Hằng ngày tiến hành làm sạch mủ tai và thổi bột thuốc vào 2 – 3 lần.
Trị viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, tiểu ra máu, viêm gan do virus
- Hoàng đằng, Mộc thông, Huyết dụ mỗi vị 10 – 12g. Cho hết các vị thuốc vào ấm sắc cùng với 1 lít nước đến khi còn 300ml. Chia đều làm 3 lần uống khi thuốc còn ấm, dùng với liều lượng đúng 1 tháng/ngày.
Kiêng kỵ
Mặc dù Hoàng đằng có tác dụng trị bệnh rất hiệu quả, nhưng khi sử dụng không đúng cách có thể phát sinh rủi ro. Người bệnh cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Tuyệt đối không dùng dược liệu này cho những người mắc các bệnh có tính hàn (tay chân lạnh, rét, lạnh run, gặp lạnh đau tăng…).
- Cẩn trọng khi dùng dược liệu chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc. Thực hiện bài thuốc này ở nhà sẽ không đảm bảo vô khuẩn và rất dễ gây ra tình trạng bội nhiễm.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Dị ứng với các thành phần của vị thuốc.
Hoàng đằng là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Đọc thêm: Chơi cây cảnh – Nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh