Cây Hoàng đàn
Cây hoàng đàn còn được gọi là Hoàng đàn liễu, Ngọc am,… thuộc họ Hoàng đàn với danh pháp khoa học là Cupressus torulosa D. Don. Theo sự ghi nhận trong nền Y học cổ truyền, quả hoàng đàn có vị đắng, tính bình, có tác dụng an thần, chỉ huyết, khu phong bào; cành và lá có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng sinh cơ, chỉ huyết.
NỘI DUNG
1. Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Bách xoắn, Tùng có ngấn, Ngọc am, Hoàng đàn liễu, Bách mộc,…
- Tên khoa học: Cupressus torulosa D. Don
- Họ: Thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaccae)
2. Đặc điểm sinh thái
+ Mô tả: Cây hoàng đàn là cây thân gỗ, khi trưởng thành, cây có thể cao tới 40m. Vỏ cây có màu xám, nứt dọc như các vết gân. Cây được phân thành nhiều nhánh nhỏ, cành non vuông cạnh. Lá cây hoàng đàn có hình vảy, nhỏ, mọc xít nhau và áp sát lấy cành. Nón đơn tính cùng gốc: nón cái hình cầu hoặc trứng, nón đực có hình trái xoan. Vẩy nón có 6 đôi mọc vòng, mặt vẩy hình 5 cạnh có gờ và mỗi vảy mang 6 – 8 quả nhỏ. Phần hạt có hình cầu dẹt, có cánh mỏng.
+ Phân bố: Cây hoàng đàn thường mọc trên các dãy núi đá vôi ở những vùng núi cao khoảng 300 m hoặc các đoạn dốc. Là một loại cây ứa nước, cây hoàng đàn thường mọc trên đá màu xám vàng, nâu đất. Trên thế giới, cây hoàng đàn được tìm thấy rải rác ở một số nước ở khu vực nam Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal. Ở nước ta, loại cây này cũng được tìm thấy rải rác ở một số tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên Phủ,…
3. Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế, bảo quản
+ Bộ phận dùng: Cây hoàng đàn được sử dụng khá nhiều để làm thuốc như tinh dầu, lá, quả, rễ, vỏ cây.
+ Thu hái: Thời điểm thu hoạch còn phụ thuộc vào từng bộ phận sử dụng. Thông thường, loại cây này được thu hoạch quanh năm để bào chế thành thuốc.
+ Sơ chế: Đem những phần đã được thu hoạch rửa qua với nước rồi phơi nắng hoặc sấy cho khô và cất trữ để sử dụng dần.
+ Bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, tránh để dược liệu ở nơi ẩm ướt để tránh tình trạng nổi mốc meo.
4. Thành phần hóa học
Mỗi bộ phận của cây hoàng đàn đều chứa các thành phần khác nhau và mỗi bộ phận ấy lại ẩn chứa những công dụng khác nhau. Rễ và gỗ thân cây hoàng đàn: Chứa nhiều tinh dầu có tính chất của dược phẩm với hàm lượng là 4,5 – 5,5%; lá cây hoàng đàn có ít tinh dầu hơn.
5. Tính vị của dược liệu
Quả hoàng đàn có vị đắng, tính bình.
Lá và cành cây hoàng đàn có vị đắng, chát, cay và có tính ôn.
6. Quy kinh
Chưa cập nhật.
7. Tác dụng dược lý
Theo dược lý hiện đại: Chưa có báo cáo.
Theo y học cổ truyền: Mỗi bộ phận của cây hoàng đàn là những công dụng khác nhau, cụ thể như sau:
- Quả cây hoàng đàn: Có công dụng trị phong hàn, chứng đau bụng, đau dạ dày, trị cảm mạo, có công dụng thổ huyết;
- Rễ cây hoàng đàn: Dùng để trị bỏng, chữa lành các vết thương do té, ngã;
- Cành và lá cây hoàng đàn: Có tác dụng trị chứng buồn nôn, nôn ra máu, trị bệnh trĩ, làm lành vết thương bị bỏng;
- Vỏ thân cây hoàng đàn: Có tác dụng chữa chứng đau bụng, tiêu chảy thông thường, tiêu chảy lâu ngày không khỏi;
- Tinh dầu: Dùng thuốc thuốc xoa bóp chứng nhức cơ, xương khớp, vết sưng tấy, ứ huyết, giúp sát trùng các vết thương bị lở loét, nhiễm trùng. Trong công nghiệp, tinh dầu của cây hoàng đàn còn dùng để làm chất đinh hương, kem bôi mặt, chế xà phòng, nước hoa,…
8. Cách dùng – Liều dùng
+ Cách dùng: Tùy vào từng bộ phận sử dụng sẽ có những cách dùng khác nhau. Thông thường dùng lá cây để sắc lấy nước dùng, dùng dạng bột mịn của bộ phận vỏ cây,…
+ Liều dùng: Liều dùng thường không ổn định, có thể bị thay đổi tùy vào từng bệnh lý và độ tuổi sử dụng.
9. Những bài thuốc chữa bệnh từ cây hoàng đàn
Dưới đây là một số bài thuốc từ dược liệu cây hoàng đàn, bạn có thể tham khảo và lưu trữ để bào chế điều trị:
# Bài thuốc từ cây hoàng đàn trị chứng nôn ra máu
Nguyên liệu cần có:
- Lá hoàng đàn 30 gram
- Sinh địa 30 gram
- A giao 0,3 gram
Cách thực hiện:
- Lá hoàng đàn cần được làm sạch để loại bỏ lớp bụi bẩn;
- Cho toàn bộ các nguyên liệu vào trong nồi đất cùng vối 500 ml nước lọc;
- Sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại khoảng 200 ml là được;
- Chắt lọc lấy phần nước, chia phần nước thành 2 lần dùng trong ngày vào mỗi buổi sáng và tối.
Ngoài việc sử dụng nước sắc từ lá hoàng đàn và một số dược liệu khác, bạn cũng có thể sử dụng 2 – 3 quả hoàng đàn. Đem nghiền nát thành bột mịn rồi cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng một ít cùng với một ít rượu trắng nóng.
# Bài thuốc từ cây hoàng đàn trị chứng đau bụng, tiêu chảy lâu ngày không khỏi
Nguyên liệu cần có:
- Vỏ hoàng đàn
- Hương phụ tử
Cách thực hiện:
- Đem một phần vỏ hoàng đàn ngâm nước để qua đêm;
- Sau 24 giờ ngâm, vớt để ráo nước rồi thái thành các sợi nhỏ, sau đó đem phơi nắng hoặc sấy đến khi khô;
- Tán vỏ cây hoàng đàn cùng với 2 phần hương phụ tử tán thành bột mịn;
- Trộn đều hai hỗn hợp bột rồi hoàn thành từng viên với kích thước bằng hạt ngô đồng;
- Mỗi lần sử dụng 10 viên cùng với nước ấm. Mỗi ngày sử dụng 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối.
# Bài thuốc từ cây hoàng đàn chữa lành thương bị bỏng
- Đem một ít cành là lá cây hoàng đạo rửa sạch nhiều lần với nước;
- Cho toàn bộ phần cành và lá vào trong nồi cùng với một ít nước sao cho lượng nước cô đặc lại;
- Mỗi lần sử dụng một lượng vừa đủ thoa lên vết thương bị bỏng;
- Sử dụng đều đặn mỗi ngày để bệnh tình được cải thiện nhanh chóng.
Hoặc đem cành và lá thái nhỏ rồi tán thành bột mịn rồi đem rắc lên vùng da bị bỏng. Ngoài ra, dân gian còn sử dụng cành và lá để sắc lấy nước uống trị chứng cảm mạo, nhức đầu, bệnh đau dạ dày.
Các đối tượng bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong cây hoàng đàn hoặc một số dược liệu khác trong từng bài thuốc cần thận trọng khi sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này.
Trên đây là những thông tin về dược liệu cây hoàng đàn và những bài thuốc về loại dược liệu này. Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo. Mặt khác, người bệnh cũng không nên tự ý sử dụng các bài thuốc từ loại dược liệu này, bởi loại dược liệu này chưa được giới dược lý hiện đại nghiên cứu và đưa ra những công dụng chính xác nhất.
Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.