Cây Hoắc Hương
Từ lâu, Hoắc hương đã được xem như một loại thảo dược thần kỳ đối với sức khỏe con người. Vị thuốc có tác dụng trong việc chữa cảm cúm, sổ mũi, nôn mửa, tiêu chảy, ăn không tiêu. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này.
Giới thiệu Hoắc hương
- Tên gọi khác: Thổ Hoắc hương, Quảng hoắc hương…
- Tên khoa học: Herba Pogostemonis.
- Họ Hoa môi (Lamiaceae).
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây ưa ẩm chịu bóng, sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đớt. Những nước sản xuất Hoắc hương để lấy tinh dầu hiện nay là Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… Ở nước ta, dược liệu thường được trồng ở một số tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội…
Sau 5 – 6 tháng trồng có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Thường thu hái vào tháng 4 – 6 khi cây có cành lá xum xuê. Cắt lấy phần trên mặt đất, ngày phơi, đêm đậy kín, làm nhiều lần cho đến khi dược liệu khô.
Mô tả toàn cây
Hoắc hương là vị thuốc quý. Cây nhỏ sống lâu năm, thân vuông màu nâu tím, mọc thẳng có phân nhánh, cao chừng 30 – 60 cm, thân có lông.
Lá mọc đối có cuống ngắn, thường vụn nát, nhăn nheo. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, hai mặt đều mang lông, mặt dưới nhiều lông hơn, lá dài 5 – 10 cm, rộng 2,5 – 7 cm. Khi chà lá Hoắc hương, ta thấy mùi thơm đặc trưng mang vị hơi đắng, cay mạnh mẽ.
Cụm hoa mọc thành xim co, ở kẽ lá hay ngọn cành. Hoa màu tím nhạt, nhụy bên trong nở ra màu trắng.
Quả bế có hạt cứng. Toàn cây có lông và mùi thơm.
Bộ phận làm thuốc bào chế
Hầu như các bộ phận của Hoắc hương đều được sử dụng làm dược liệu. Trong đó, phần lá và cành của cây thường được sử dụng nhất để chiết xuất tinh dầu hay làm thuốc chữa bệnh.
Lá lựa thứ nguyên vẹn. Lá dùng mềm, mùi thơm nồng đặc trưng, vị hơi đắng.
Một số cách bào chế
- Lá khô đem thái nhỏ dùng trong thuốc thang hoặc tán bột nhỏ để làm hoàn tán (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Phun nước cho ngấm đều, thái phiến, phơi khô để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Loại bỏ rễ còn sót lại và các tạp chất, lấy lá sạch để riêng. Rửa sạch thân, ủ mềm, cắt đoạn, phơi khô rồi trộn đều thân với lá. Có thể chưng cất tinh dầu từ lá tươi.
Bảo quản
Đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt.
Thành phần hóa học
Cây Hoắc hương chứa 1,2% tinh dầu. Thành phần tinh dầu bao gồm các chất như: alcohol patchoulic (45%), patchoulen (50%). Bên cạnh đó còn có hoạt chất khác như benzaldehyd, aldehyd cinnamic, eugenol, cadinen, sesquiterpen và epiguaipyridin.
Công dụng
Y học hiện đại
Kháng khuẩn rộng
Nước sắc Hoắc hương có tác dụng ức chế các loại nấm gây bệnh: Leptospirosis, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn tán huyết type A… (Trung Dược Học).
Tinh dầu Hoắc hương có khả năng làm tăng tiết dịch dạ dày, tăng chức năng tiêu hóa (Trung Dược Học). Ngoài ra, nhờ mùi hương mạnh mẽ, tinh dầu từ dược liệu còn giúp loại bỏ mùi hôi, xua đuổi côn trùng.
Giảm stress, căng thẳng
Mùi của cây Hoắc hương có tác dụng giải phóng các hormone cảm giác như serotonin và dopamine. Nó giúp cho cảm giác buồn bã biến mất, thay vào đó là cảm giác lạc quan, đầy hy vọng và yêu đời hơn.
Xem thêm: Viễn chí: Thảo dược giúp an thần, chữa ho.
Hỗ trợ lành vết thương và trị sẹo mụn: Các tinh chất trong Hoắc hương có tác dụng tăng tốc quá trình chữa lành vết thương, mất dần vết sẹo. Nó cũng có hiệu quả trong việc loại các nốt sẹo do mụn, mụn trứng cá…
Tác dụng chống tiêu chảy: Do chứa thành phần tannin cao, vị thuốc có hiệu quả trong việc chữa bệnh tiêu chảy và các bệnh về miệng, họng.
Y học cổ truyền
Vị cay, tính ôn.
Quy kinh Phế, Tỳ, Vị.
Chủ trị:
- Chứng buồn nôn, nôn, bụng đầy, đau bụng, tiêu chảy, ăn uống không ngon miệng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Cảm cúm, cảm nắng, phát sốt, nhức đầu, sổ mũi, hôi miệng.
Cách dùng và liều dùng
Thường dùng dưới dạng thuốc sắc, hãm hoặc bột. Liều 6 – 12 g.
Không nên dùng Hoắc hương ở các đối tượng:
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
- Trẻ em.
- Người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với thuốc.
- Theo Y học cổ truyền, người suy nhược, gầy yếu, hay nóng trong người, ra mồ hôi trộm thì tránh dùng.
Nên chia nhỏ liều lượng sử dụng để tránh bị kích thích đường ruột và các tác dụng phụ.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
1. Trị nội thương sinh lạnh và ngoại cảm thương hàn trong mùa hè, xuất hiện đau đầu sốt lạnh, tức ngực, bụng đầy, tiêu chảy
Hoắc hương 12 g, Đại phúc bì 12 g, Bạch chỉ 8 g, Phục linh 12 g, Tử tô 8 g, Trần bì 6 g, Hậu phác 8 g, Cát cánh 8 g, Khương bán hạ 12 g, Cam thảo 4 g, Sinh khương 8 g, Đại táo 12 g. Sắc uống (Hoắc Hương Chính Khí Tán – Hòa Tễ Cục phương).
2. Trị cảm nắng, nôn ói, tiêu chảy
Hoạt thạch (sao) 80 g, Hoắc hương 8 g, Đinh hương 2 g. Tán bột, mỗi lần uống 8 g với nước vo gạo (Vũ Giảng Sư, Kinh Nghiệm phương).
3. Trị hôi miệng
Sắc lấy nước Hoắc hương súc miệng thường xuyên (Trích Huyền phương).
4. Trị ho, hàn thấp trở trệ bên trong, vị khí mất chức năng giáng xuống, bụng đầy tức, ăn ít, nôn mửa
Hoắc hương diệp 12 g, Bán hạ (chế) 12 g, Đinh hương 2 g, Trần bì 12 g, sắc uống (Hoắc Hương Bán Hạ Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
5. Trị đầy tức bụng và vùng vị quản, nôn mửa không muốn ăn
Hoắc hương diệp 12 g, Trần bì 6 g, Đảng sâm 12 g, Bán hạ 6 g, Xích phục linh 12 g, Thương truật 12 g, Hậu phác 12 g, Cam thảo 4 g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống nóng (Hoắc Hương Ẩm – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Có thể nói rằng, Hoắc hương là vị thuốc gần gũi và được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.