Cây Gòn Gai
2/15/2022 8:59:00 AM
Dọc các con đường ở Việt Nam, những nơi có khu dân cư sinh sống, người ta thường trồng cây Gòn để lấy bóng mát. Cây Gòn còn gọi là Gòn gai hay Bông gòn, Kapok tree hay Silk-cotton tree (tiếng Anh), tên khoa học là Ceiba pentandra (L.) Gaertn., họ Gạo (Bombacaceae).
Đây là cây gỗ lớn có thân tròn thẳng, cao 20-30m hoặc hơn. Thân và cành lớn có gai ngắn hình nón. Các bộ phận non đều có màu xanh. Lá kép hình chân vịt, mọc so le, có 5-9 lá chét hình thoi, dài tới 20cm, gốc và chóp lá chét nhọn. Hoa lưỡng tính, màu trắng ngà, họp thành bông dày ở đầu cành. Đài hợp, có 5 thuỳ, mặt trong có lông nhung. Tràng 5, có lông nhung ở mặt ngoài. Nhị 5, chỉ nhị chẻ đôi. Bầu và vòi nhụy nhẵn, đầu nhụy hình đĩa có 5 thuỳ. Quả hình thoi, dài 12-15cm, đường kính 4-5cm, quả khô tự mở, trong quả chứa nhiều lông màu vàng nhạt, dài 1-3,5cm (bông gòn) và nhiều hạt tròn, màu đen, không dính vào sợi lông.
Hình 1: Cây Gòn. Hình 2: Bông Gòn trong quả đã mở (nguồn: Internet)
Cây Gòn có nguồn gốc ở Châu Mỹ nhiệt đới, hiện nay được trồng ở hầu hết các nước nhiệt đới Châu Á như Ấn Độ, Srilanca, Myanma, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Từ các cây trồng, hạt phát tán đi khắp nơi và trở nên hoang hoá. Cây Gòn trồng bằng hạt hoặc giâm cành, sinh trưởng rất nhanh, sau 5 năm có thể cao 5-7m hoặc hơn. Cây sống được ở những nơi đất cằn cỗi, chịu được thời tiết khô hạn và có khả năng tái sinh khỏe từ chồi gốc sau khi bị chặt.
Thân cây Gòn chứa chất gôm, các sesquiterpenoid và isoflavon có tính chất chống ung thư. Hạt Gòn chứa 20-25% dầu, 22,5-31,6% protein, 15-26% các este, và các acid oleic, palmitic, stearic, vv. Dầu này có màu vàng sáng hay màu lục, không mùi, vị giống dầu Lạc, có thể dùng làm nhiên liệu sinh học, pha sơn và làm xà phòng.
Cây Gòn không chỉ cho bóng mát, nhiều bộ phận của cây này còn được sử dụng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều nước ở Châu Á, Châu Phi coi cây Gòn như một loại thần dược. Vỏ cây có tác dụng lợi tiểu, làm săn da, hạ nhiệt, giảm đau. Gôm từ thân cây tiết ra dùng trị đau bụng, lỵ, rong huyết, tiểu đường loại II (liều dùng 4-10g). Lá non có tác dụng lợi sữa. Rễ Gòn sắc uống trị bệnh sốt rét.
Người dân Burkina Faso (Tây Phi) dùng vỏ cây Gòn nấu lấy nước chữa bệnh sốt rét, chữa ho. Ở Indonesia, nước sắc vỏ cây Gòn trị sỏi niệu và viêm niệu đạo. Ở Philippin, cây Gòn được coi là thuốc kích dục. Ở Myanma, người ta dùng rễ cây Gòn làm thuốc bổ và lá Gòn chữa bệnh lậu. Ở Ấn Độ, chất gôm của cây Gòn có tác dụng phục hồi chức năng, làm săn, nhuận tràng, trị một số bệnh đường ruột. Ở phía nam Ấn Độ, vỏ cây Gòn được dùng trị u bướu. Dịch ép rễ Gòn chữa đái tháo đường. Ở Java, người ta dùng các quả non để làm rau ăn, lá non làm thuốc lợi sữa. Hạt làm giá, dùng ăn sống hay xào nấu, có tác dụng làm tăng sự tiết sữa.
Ở Việt Nam, bông Gòn thường dùng để nhồi gối; một số vùng ở Nam Bộ sử dụng lá cây Gòn làm tăng sự tiết sữa cho các sản phụ. Theo lương y Kiều Bá Long, người dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng sử dụng cây Gòn để chữa trật khớp, bong gân hay gãy xương cẳng tay, cẳng chân. Bài thuốc như sau: cắt vỏ cây Gòn dài 10-15cm, rộng 3-5cm (tùy vị trí bị chấn thương), cạo bỏ lớp vỏ ngoài, rửa lại với nước muối, đập giập, quét lên một lớp bột Nghệ sền sệt rồi bó chặt với nẹp gỗ vào chỗ gãy xương. Sau 3 ngày thay thuốc mới. Bó liên tục 3-5 lần sẽ lành, cử động bình thường.
Cũng theo kinh nghiệm dân gian ở Việt Nam, dùng lá Gòn trị táo bón (lấy 10-15 lá tươi, rửa sạch. Sau đó, xay hoặc vò nát lá trong một lượng nước sôi để nguội vừa đủ, rồi lọc lấy nước để uống). Ngoài ra, người ta còn dùng vỏ cây Gòn 100g, cây Táo gai 50g, sắc uống thay nước để chữa bệnh gai cột sống. Sau 3 ngày đã thấy hiệu nghiệm.
Một công trình nghiên cứu tại trường ĐH Dược (ĐH Rhode Island, USA), TS. N.H.Nam, N.T. Vững và T.C. Khánh đã chứng minh phân đoạn butanol từ dịch chiết methanol của cây Gòn ở Việt Nam có hoạt tính kháng khuẩn, chống oxy hoá và ức chế sự hình thành mạch máu ở nồng độ 100 g/ml, không gây độc tế bào. Kết quả cho thấy tiềm năng sử dụng cây Gòn để điều trị bệnh ung thư và bệnh liên quan đến sự hình thành mạch.
Các thông tin trên chứng tỏ cây Gòn cũng là một cây thuốc quý. Tuy nhiên, cần kiểm chứng lại những công dụng theo kinh nghiệm dân gian và các nhà khoa học nên nghiên cứu tiếp để tìm ra thuốc mới từ cây Gòn, đặc biệt thuốc trị bệnh u bướu. TSKH. Trần Công Khánh Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam
Lượt xem : 4843