Cây Găng Gai
Cây găng là thực vật có tính mát, thường được sử dụng để giải nhiệt vào mùa hè. Nhưng ít ai biết rằng, đây còn là dược liệu hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, tiêu chảy, lỵ,…hiệu quả. Cùng Metaherb tìm hiểu chi tiết về vị thuốc này trong bài viết dưới đây.
Tên khác: Cây tu hú, Mây nghiêng pa, Găng tía, Găng trâu, Găng gai
Tên gọi khoa học: Catunaregam spinosa
NỘI DUNG
- 1 Đặc điểm dược liệu
- 2 Vị thuốc cây găng
- 3 Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây găng
- 3.1 1. Chữa vết đốt côn trùng, rắn rết cắn
- 3.2 2. Chữa mụn nhọt, lở loét ngoài da
- 3.3 3. Chữa mệt mỏi, yếu sức ở phụ nữ sau sinh
- 3.4 4. Điều trị cho trẻ nhỏ mọc răng bị sốt, khó chịu trong người
- 3.5 5. Chữa đau xương cho các trường hợp đang bị sốt
- 3.6 6. Chữa đau bụng
- 3.7 7. Lấy dằm, gai đâm ra khỏi da
- 3.8 8. Chữa bệnh lỵ, tiêu chảy
- 3.9 9. Giảm đau nhức xương khớp cho người bị bệnh thấp khớp
- 3.10 10. Điều trị bệnh phong thấp
- 3.11 11. Chữa tổn thương sưng đau
- 3.12 12. Bồi bổ sức khỏe, kích thích tiêu hóa, an thần, chữa mất ngủ, giảm mệt mỏi
- 3.13 13. Điều trị các vấn đề ngoài da
- 3.14 14. Chữa tắc kinh nguyệt, điều kinh
- 4 Lưu ý khi sử dụng bài thuốc từ cây găng
Đặc điểm dược liệu
1. Mô tả
Cây găng hay găng tu hú là dược liệu thân gỗ. Cây có thể cao đến 8 mét khi trưởng thành, phân nhiều nhánh. Thân màu nâu, dọc thân có nhiều gai to, sắc nhọn, mọc ngay ở những nơi đâm cành, gai có thể dài từ 5 – 15mm.
Cây găng
Lá găng tu hú có hình xoan ngược, đầu tù hoặc gần nhọn. Phía dưới gốc lá nhọn sắc, mặt lá nhẵn. Chiều rộng lá khoảng 1,5 – 3cm, trong khi đó chiều dài lá dao động từ 2,5 – 7 cm. Hoa có màu trắng hoặc sắc vàng lục, hình cái chuông, phía trên xòe ra 6 cánh màu trắng. Cuống hoa rất ngắn, hầu như không nhìn thấy được.
Quả găng tu hú mọng, hình trứng hoặc hình cầu, to cỡ quả chanh. Đầu quả có các lá đài đồng trưởng. Quả non có màu trắng, khi già chuyển sang màu xanh đậm và chín thì có màu vàng. Bên trong chứa nhiều hạt xen lẫn với nạc quả. Hạt có màu đen.
Mùa hoa bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9. Mùa quả bắt đầu từ tháng 3 – tháng 11.
2. Phân bố
Cây găng tu hú mọc hoang ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ở các vùng nông thôn, loại cây này được người dân mang về trồng quanh nhà làm hàng rào để bảo vệ tài sản do có nhiều gai.
3. Bộ phận sử dụng
Quả, rễ, lá và vỏ thân là những bộ phận được sử dụng làm dược liệu.
4. Thu hái, sơ chế, bảo quản
- Thu hái: Các bộ phận như rễ, lá hay vỏ thân được thu hái quanh năm. Riêng quả găng thì thường được thu hoạch vào mùa đông.
- Sơ chế: Dược liệu được dùng tươi hoặc phơi/sấy khô tích trữ dùng dần.
- Bảo quản: Dược liệu găng tu hú khô cần được bảo quản nơi khô, mát. Tốt nhất là cất trong hộp kín hoặc đóng bịch ni lông. Tránh để nơi ẩm ướt gây mốc.
5. Thành phần hóa học
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra trong dược liệu có chứa một số thành phần như sau:
- Rễ chứa scopolatin
- Cơm quả tìm thấy Saponin trung tính, tinh dầu, acid, nhựa
- Quả găng tu hú khô chứa triterpen, B-sitosterol và saponin được kết tinh dưới dạng ursosaponin
Găng tu hú chứa thành phần hoá học đa dạng
Vị thuốc cây găng
1. Tác dụng dược lý
Nhờ chứa các thành phần hoá học đặc trưng, vị thuốc cây găng có nhiều công dụng trị bệnh hiệu quả, cụ thể:
- Quả găng tu hú có thể kích thích co thắt cơ trơn trong ruột gây cảm giác buồn nôn.
- Cơm quả có tác dụng cầm lỵ, gây sảy thai và tiêu diệt giun.
- Vỏ quả giúp bề mặt da săn lại.
- Vỏ thân cây găng tu hú làm se tổn thương, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
- Chiết xuất từ vỏ rễ thể hiện rõ khả năng diệt trùng.
- Quả găng tu hú cũng thể hiện tính tẩy. Chính vì vậy mà người xưa thường hái quả đem về giặt quần áo thay thế cho xà phòng.
- Y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng quả găng làm thuốc gây nôn, điều trị bệnh lỵ, nhiễm giun. Bột thuốc dược liệu có tác dụng giảm sốt, chống đau nhức xương khớp khi bị thấp khớp, vỏ rễ sắc uống chữa đau bụng.
- Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng găng tu hú làm dược liệu với tên gọi là Sơn Thạch lựu. Vỏ quả và rễ chữa phong thấp, làm thuốc gây nôn. Lá làm thuốc đắp chữa sưng đau. Nước sắc vỏ quả làm thuốc rửa trị bệnh ngoài da. Cành non với mầm được giã đắp ngoài khu vực bị gai đâm giúp kích thích gai trồi ra ngoài.
2. Cách sử dụng, liều lượng
Người bệnh có thể dùng cây găng tu hú theo dạng sắc uống, tán bột hoặc thuốc đắp ngoài da.
Mỗi ngày sử dụng 5 – 20g theo đường miệng. Liều lượng tùy chỉnh cho phù hợp với diện tích vùng cần điều trị.
Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây găng
1. Chữa vết đốt côn trùng, rắn rết cắn
Cây găng có tích mát, hỗ trợ làm dịu các vết côn trùng cắn. Để sử dụng bài thuốc này, người bệnh áp dụng bài thuốc dưới đây:
- Hái một nắm lá găng tu hú tươi, rửa sạch rồi ngâm với muối 15 phút.
- Để lá cho thật ráo rồi cho vào cối giã nát, pha thêm vào một ít nước đun sôi để nguội.
- Chắt nước cốt uống, phần bã giữ lại đắp trực tiếp lên vết đốt sẽ giúp giảm sưng ngứa.
Găng giúp làm dịu các vết côn trùng cắn
2. Chữa mụn nhọt, lở loét ngoài da
Để điều trị mụn nhọt, lở loét ngoài ra, người bệnh áp dụng bài thuốc từ cây găng theo bài thuốc dưới đây:
- Chuẩn bị quả găng tu hú tươi, vôi, đất sét.
- Bổ đôi từng quả, lấy bỏ hạt bên trong rồi nhét một ít vôi vào.
- Bọc đất sét bên ngoài quả, đem đốt tồn tính.
- Cuối cùng gỡ bỏ lớp đất đi, lấy dược liệu tán thành bột mịn. Cất vào trong hũ, đậy kín nắp lại để nơi khô ráo dùng dần.
- Mỗi khi bị mụn nhọt, lở loét ngoài da, bạn lấy một ít bột đắp vào khu vực bị tổn thương.
- Áp dụng đều đặn mỗi ngày một lần tổn thương sẽ dần khô, se lại và kéo da non.
3. Chữa mệt mỏi, yếu sức ở phụ nữ sau sinh
Găng là dược liệu an toàn, lành tính, nên có tác dụng bồi bổ cơ thể cho phụ nữ sau sinh hiệu quả. Cách áp dụng bài thuốc này như sau:
- Hái lá dược liệu số lượng lớn phơi khô để dùng dần.
- Mỗi ngày lấy 20 – 30g sắc với 4 bát nước cho cạn còn 1 bát.
- Gạn ra chia 2 phần uống vào buổi sáng và buổi chiều.
- Dùng liên tục mỗi ngày 1 tháng cho đến khi thấy sức khỏe khá hơn.
4. Điều trị cho trẻ nhỏ mọc răng bị sốt, khó chịu trong người
Găng có tính mát nên hỗ trợ điều trị sốt, nóng trong hiệu quả. Người bệnh có thể áp dụng bài thuốc này theo cách sau:
- Rửa sạch quả găng tu hú, đem phơi hoặc sấy cho thật khô.
- Nghiền dược liệu thành bột mịn để dùng nhiều lần.
- Để hạ sốt và giúp trẻ mọc răng dễ chịu hơn, mẹ lấy 3 – 5g bột rắc vào lưỡi hoặc đắp vào vòm khẩu cái của bé.
- Tùy theo tình trạng sốt mà có thể dùng thuốc 1 – 2 lần trong ngày. Thông thường, sau khoảng 3 ngày dùng thuốc tình trạng của bé sẽ thuyên giảm trông thấy.
Cay găng giúp trị sốt cho trẻ
5. Chữa đau xương cho các trường hợp đang bị sốt
Cây găng là một trong những dược liệu chữa đau xương khớp hiệu quả được các chuyên gia đông y đánh giá cao. Để điều trị chứng bệnh này, người bệnh áp dụng theo phương pháp dưới đây:
-
Cách 1:
- Chuẩn bị 15g vỏ quả găng, 400ml nước.
- Sau khi rửa sạch dược liệu, bạn cho vào nồi và đổ nước vào sắc cùng.
- Đun cho ấm thuốc sôi mạnh rồi vặn nhỏ lửa, để liu riu cho đến khi thuốc cạn còn 100ml.
- Chờ cho thuốc nguội gạn uống hết 1 lần hoặc chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và buổi chiều.
-
Cách 2:
- Dùng vỏ quả găng tu hú với số lượng nhiều, phơi khô, nghiền thành bột nhuyễn mịn. Bảo quản trong hũ có nắp đậy, để nơi khô ráo sẽ giúp tích trữ thuốc được lâu hơn.
- Mỗi lần sử dụng chỉ cần lấy bột thuốc pha với lượng nước vừa đủ tạo thành hỗn hợp đặc sệt.
- Đắp thuốc vào chỗ xương bị đau nhức và để trong 2 – 3 tiếng. Để thuốc không bị rơi ra, bạn nên dùng băng gạc để bó cố định lại.
- Mỗi ngày đắp thuốc 1 – 2 lần liên tục trong vài ngày sẽ thấy xương khớp bớt đau nhức rõ rệt.
6. Chữa đau bụng
Găng giúp làm giảm các tình trạng đau bụng khá nhanh chóng. Cách áp dụng bài thuốc này khá đơn giản như sau:
- Chuẩn bị: 15g vỏ quả, 400ml nước.
- Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm sắc cùng lượng nước đã chuẩn bị.
- Đun nhỏ lửa khoảng 20 phút cho thuốc cô đặc lại.
- Gạn thuốc uống khi còn ấm mỗi ngày 1 tháng. Dùng liền 3 – 5 ngày để thấy được hiệu quả.
Cây găng giúp giảm đau bụng
7. Lấy dằm, gai đâm ra khỏi da
Đây là bài thuốc dân gian khá hiệu quả, trước đây được nhiều người áp dụng. Người bệnh có thể tham khảo mẹo lấy dằm, gai đâm khỏi tay theo cách dưới đây:
-
Cách 1:
- Hái mầm và cành non của găng tu hú rửa kỹ với nước muối để khử khuẩn.
- Giã nát rồi đắp thuốc vào khu vực bị gai đâm sâu vào da.
- Băng cố định lại sau vài tiếng gai sẽ từ trồi lên.
-
Cách 2:
- Lấy cành non và mầm dược liệu phơi khô, tán bột.
- Mỗi khi bị gai đâm lấy bột thuốc pha với lượng nước vừa đủ làm thuốc đắp kích thích gai trồi lên trên bề mặt da.
- Lúc này, bạn chỉ cần lấy một cái nhíp đã được tiệt trung gắp gai ra ngoài mà không gây tổn thương cho phần mềm xung quanh.
8. Chữa bệnh lỵ, tiêu chảy
Găng có công dụng tiêu diệt các chủng vi khuẩn gây bệnh lỵ và tiêu chảy rất tốt. Nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể tham khảo bài thuốc từ dược liệu này theo cách sau:
- Lấy 120g vỏ rễ cây găng tu hú đem rửa sạch đất cát, phơi khô.
- Để trị tiêu chảy, kiết lỵ, đem thuốc sắc kỹ với 500ml nước lấy 100ml.
- Chắt nước thuốc chia 2 lần uống. Nên uống khi còn ấm để đạt được hiệu quả tốt hơn.
9. Giảm đau nhức xương khớp cho người bị bệnh thấp khớp
Bên cạnh việc sử dụng các bài thuốc giảm đau và các bài tập vật lý trị liệu, người bệnh có thể tham khảo bài thuốc từ găng theo cách dưới đây để điều trị chứng bệnh kể trên:
- Quả găng tu hú tách bỏ hạt lấy vỏ, phơi khô, tán bột.
- Mỗi ngày 2 lần lấy bột thuốc pha với nước rồi đắp vào vị trí bị đau do bệnh thấp khớp.
- Lưu lại thuốc ít nhất 3 tiếng mới rửa sạch lại.
Dược liệu giúp giảm đau do bệnh thấp khớp nhanh chóng
10. Điều trị bệnh phong thấp
Để hỗ trợ điều trị phong thấp, người bệnh áp dụng cách sau:
-
Cách 1:
- Chuẩn bị: 20g dược liệu, bao gồm cả rễ và quả.
- Phơi dược liệu cho hơi héo vỏ rồi cho vào ấm, đổ thêm 600ml nước sắc đến nước trong ấm cạn bớt chỉ còn khoảng 200ml.
- Để thuốc nguội còn hơi âm ấm, gạn nước chia uống 2 lần.
- Mỗi ngày sắc uống 1 tháng cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
-
Cách 2:
- Dùng rễ và quả sấy khô, nghiền bột mịn.
- Khi cần, lấy bột thuốc pha với nước để được một hỗn hợp bột nhão.
- Đắp thuốc trực tiếp lên những chỗ bị đau nhức, sưng tấy do phong thấp.
- Chờ 5 – 10 phút sau thuốc sẽ khô. Bạn cần lấy băng gạc cuốn cố định lại để thuốc không bị rơi ra ngoài.
- Lưu lại thuốc trong 3 tiếng rồi gỡ ra. Tiếp tục đắp thêm lần nữa vào buổi tối. Có thể thực hiện trước lúc đi ngủ và để qua đêm nhằm xoa dịu cơn đau nhức khớp, giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
11. Chữa tổn thương sưng đau
Để giảm nhanh tình trạng sưng đau ngoài da, người bệnh áp dụng bài thuốc theo cách sau:
- Chuẩn bị 20g lá cây găng tu hú hoặc nhiều hơn tùy theo diện tích bị tổn thương.
- Rửa sạch lá và ngâm với nước muối 20 phút.
- Vớt ra, để ráo nước, cho vào cối giã nát cùng với một ít đường.
- Lấy bã thuốc đắp một lớp mỏng lên khu vực bị tổn thương.
- Để bệnh nhanh khỏi thì bạn nên cố gắng lưu lại thuốc trong 2 – 3 tiếng.
- Đắp thêm một lần nữa trong ngày nếu bị sưng đau nghiêm trọng.
12. Bồi bổ sức khỏe, kích thích tiêu hóa, an thần, chữa mất ngủ, giảm mệt mỏi
Cây găng có chứa một số thành phần dinh dưỡng, giúp bồi bổ cơ thể rất tốt. Để áp dụng, người bệnh thực hiện như sau:
- Sử dụng 5- 10 quả găng tu hú. Chỉ lựa những quả đã chín vàng, bổ đôi để lấy hết hạt bỏ đi.
- Phơi khô dược liệu, giã nhỏ, cho vào chảo nóng sao chung với 10g đỗ đen.
- Tiếp theo, cho cả hai nguyên liệu thuốc vào bình thủy tinh ngâm với 200ml rượu. Có thể điều chỉnh tỷ lệ giữa các thành phần để ngâm rượu thuốc với số lượng lớn hơn.
- Mỗi ngày uống 3 lần trước bữa ăn sáng, trưa và tối. Trường hợp bị bệnh mất ngủ thì liều cuối cùng nên để uống trước khi đi ngủ. Mỗi lần uống 1 muỗng canh ( khoảng 5ml).
13. Điều trị các vấn đề ngoài da
Người bệnh có thể điều trị một số chứng bệnh ngoài da như viêm da, nấm, lở loét,…từ quả của dược liệu này. Cách áp dụng bài thuốc như sau:
- Dùng vỏ quả với liệu lượng 50g mỗi ngày.
- Sắc thuốc cùng với 1 lít nước lọc, đun trong 15 phút để các hoạt chất quý tiết hết ra nước.
- Chờ cho thuốc nguội, lấy ngâm và rửa vùng da bị bệnh để cải thiện các triệu chứng khó chịu đang gặp phải và giúp tổn thương nhanh lành.
Cây găng giúp trị bệnh ngoài da hiệu quả
14. Chữa tắc kinh nguyệt, điều kinh
Để điều trị chứng bệnh kể trên, người bệnh áp dụng bài thuốc sau:
- Dùng 15g vỏ rễ và thân cây găng tu hú rửa sạch, cắt nhỏ.
- Cho dược liệu vào ấm chế nước sôi vào hãm uống thay trà.
- Khi hãm thuốc nên để ít nhất 20 phút mới rót uống.
- Dùng thuốc 1 – 2 lần trong ngày sẽ giúp chu kì kinh nguyệt được đều đặn và ổn định hơn.
Lưu ý khi sử dụng bài thuốc từ cây găng
Mặc dù mang lại những hiệu quả chữa bệnh nhất định, song khi sử dụng loại dược liệu này, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý dưới đây để phát huy tối đa tác dụng của nó:
- Thuốc sắc từ cây găng chỉ nên uống hết trong ngày, mỗi lần sử dụng cần hâm nóng lại. Tránh để qua ngày sẽ bị ôi thiu và mất tác dụng.
- Trường hợp dùng thuốc đắp dạng tươi nên rửa sạch dược liệu và ngâm trong nước muối trước khi sử dụng để đảm bảo tổn thương không bị nhiễm trùng nặng hơn.
- Không sử dụng dược liệu liên tục trong thời gian dài mà chưa được sự đồng ý của thầy thuốc, bác sĩ.
- Với bài thuốc rượu ngâm, không dùng cho phụ nữ mang thai, trẻ em và uống với liều lượng vừa đủ. Tránh lạm dụng quá mức gây phản tác dụng.
- Cần chú ý phân biệt cây găng tu hú với các thảo dược khác cũng được gọi với cái tên tương tự như cây nàng nàng, găng trắng, cây ngấy hương, găng vàng.
Trên đây là một số thông tin cũng như bài thuốc từ cây găng. Nếu còn thắc mắc, vui lòng để lại bình luận bên dưới bài viết, các dược sĩ của Metaherb sẽ phản hồi sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Cây đa và bài thuốc điều trị đi ngoài, xơ gan, lợi tiểu,…hiệu quả
- Bất ngờ với 8 bài thuốc từ dứa giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả viêm ruột, sốt, tiêu chảy,….
- Rau dừa nước với 14 bài thuốc điều trị sốt phát ban, sởi, mụn nhọt, tiểu buốt,….được chuyên gia đánh giá cao