Cây đười ươi
Cây ươi thuộc dạng thân gỗ lớn cho quả có giá trị dược liệu cao
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Cây Ươi (Scaphium macropodum) thuộc chi Ươi (Scaphium), họ phụ Trôm (Sterculiaceae), có các danh pháp khoa học đồng nghĩa khác: Sterculia lychnophora, Caryophyllum macropodum, Scaphium lychnophorum, Firmiana lychnophora. Tên Việt Nam còn có một số tên gọi khác như: Đười Ươi, Lười Ươi, An Nam Tử, Cây Thạch, Ươi Bay, Bàng Đại Hải, Lù Noi, Sam Rang, Som Vang, Đại Đông Quả.
Ươi là loài bản địa, gỗ lớn cao 20-35m, đường kính 50-100cm. Trong tự nhiên cây Ươi sai quả theo chu kỳ, khoảng 4-5 năm ra quả một lần. Lá Ươi chủ yếu mọc ở đỉnh cành, có dạng hình bầu dục, bên trên có phiến xẻ từ 3 – 5 thùy; cuống lá dài dài cỡ 10cm. Cây ươi bắt đầu ra hoa từ tháng 1 kéo dài cho đến tháng 4 dương lịch, hoa có kích thước nhỏ, đài hoa có ống dài. Quả Ươi thuộc dạng quả nang, bắt đầu chín rộ vào tháng 6 và có thể kéo dài cho đến tháng 8 dương lịch, vỏ ngoài màu đỏ, mặt phía trong màu bạc, bên trong quả chứa hạt khô, kích thước hạt tương đương đầu ngón tay của người trưởng thành, vỏ ngoài hạt màu nâu, hơi nhăn.
Cây Ươi phân bố phân tán trong rừng tự nhiên ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; ở Quảng Nam, loài cây Ươi tập trung ở các khu rừng tự nhiên các huyện miền núi như: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Tiên Phước.
Quả Ươi được sử dụng làm dược liệu trị bệnh, quả có tính mát, vị ngọt nhẹ giúp tiêu độc, thanh nhiệt, trị táo bón, viêm đau cổ họng, gai cột sống… Quả thường được đem ngâm với nước ấm cho nở mềm rồi uống.
II. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Mục tiêu
Hướng dẫn này quy định các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Ươi phục vụ cho công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
2 Nội dung
Hướng dẫn các bước kỹ thuật có liên quan về trồng rừng Ươi, bao gồm các bước như sau:
– Chọn nơi trồng rừng phù hợp.
– Nhân giống và tiêu chuẩn cây giống trồng rừng.
– Thời vụ, phương thức và mật độ trồng rừng.
– Xử lý thực bì, làm đất và bón phân.
– Kỹ thuật trồng rừng.
– Trồng dặm và chăm sóc rừng trồng.
– Bảo vệ rừng.
3. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Hướng dẫn kỹ thuật này áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
III. ĐIỀU KIỆN TRỒNG RỪNG ƯƠI
1. Khí hậu
– Nhiệt độ bình quân: 15°C-35°C, thích hợp nhất 20°C-25°C;
– Lượng mưa bình quân năm: 1600mm-2500mm;
– Độ cao so với mặt nước biển: 200 – dưới 1000 m.
2. Đất đai và địa hình
– Đất đai: Ươi có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên thích hợp nhất ở nơi có độ dày tầng đất > 50 cm, thành phần cơ giới nhẹ, khả năng thoát nước tốt, giàu hữu cơ, độ pH(kcl) = 4-6,5; không trồng trên đất cát, đất ngập úng, đất chua phèn.
– Địa hình: Có thể trồng trên nhiều địa hình khác nhau.
IV. NHÂN GIỐNG VÀ TIÊU CHUẨN CÂY CON
Cây Ươi được nhân giống theo các phương pháp là nhân giống bằng hạt và chiết cành, cây ghép. Hiện nay, Phương pháp nhân giống bằng hạt phổ biến và mang lại hiệu quả hơn.
1. Nhân giống hữu tính (nhân giống cây con bằng hạt)
1.1. Nguồn giống, thu hái và sơ chế hạt giống
– Nguồn giống được thu thập từ các cây mẹ sinh trưởng tốt, sai quả trong khu vực hoặc của các cây trội đã được tuyển chọn. Các cây trội được tuyển chọn trong vườn hộ, vườn rừng hoặc rừng tự nhiên. Cây trội được tuyển chọn là cây có năng suất quả/hạt vượt trội hơn so với trung bình các cây còn lại cùng chỉ tiêu so sánh.
– Thu hái hạt: hạt để tạo cây con được thu từ những cây mẹ sai quả, quả thu phải to và đều nhau để duy trì tính trạng của cây mẹ. Tuổi cây mẹ thu hái hạt từ 12 tuổi trở lên, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh; Hạt khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu nâu, tiến hành thu hái quả vào cuối tháng 5, đầu tháng 8 dương lịch, chỉ thu quả to có màu nâu sẫm để đảm bảo chất lượng cây con.
– Sơ chế hạt: Sau khi thu quả, đem xử lý để nâng cao tỷ lệ nẩy mầm hoặc có thể thu hái về mang đi phơi hạt trong bóng râm cho hạt khô đều, cho vào bình cất trữ khô kín, có thể bảo quản giống trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5 – 100C, tuy nhiên tỉ lệ nẩy mầm của hạt sẽ không cao.
1.2. Kỹ thuật gieo ươm tạo cây con