Cây Du Núi
“Who put Bella in The Wych Elm” là tên một bản nhạc được chơi bởi Gravenhurst, một nghệ sĩ Anh Quốc. Bản nhạc khá ấn tượng với tiết tấu trầm buồn ma mị nhưng không quá nổi tiếng, thế nhưng cái tên “Who put Bella in The Wych Elm” – “Ai đã đặt Bella vào cây du núi” lại là một trong những vụ án mạng nổi tiếng nhất lịch sử Birmingham, khi mà suốt 75 năm qua, những tình tiết bí ẩn đã ăn sâu vào đời sống của cư dân địa phương và khiến cảnh sát đau đầu khi không thể tìm ra danh tính của nạn nhân.
Mọi chuyện bắt đầu khi cậu bé Bob Farmer cùng một vài người bạn treo lên một cây du già ở đất cũ của lãnh chúa Cobham vào năm 1943; những đứa trẻ vô tư này hoàn toàn không biết rằng mình sắp châm ngòi cho một bí ẩn kéo dài hàng thập kỷ. Bên trong thân cây đã chết và thối rỗng, những đứa trẻ tìm thấy một hộp sọ người chỉ còn sót lại vài chiếc răng và búi tóc. Hoảng sợ, tất cả bèn thống nhất là đặt thứ vừa tìm được về vị trí cũ và không bao giờ nhắc lại về nó nữa, nhưng một cậu bé tên Tommy Witells đã không chịu được áp lực và kể cho bố mẹ.
Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc và tìm được phần còn lại của thi thể chỉ còn lại xương trắng được che phủ bởi vài mảnh quần áo đã rách nát; trên một bàn tay vẫn còn chiếc nhẫn cưới màu vàng trong khi một bàn tay khác đã biến mất. Tất cả đều được đặt rải rác trong thân cây du núi đã thối rữa. Người phụ nữ được xác định là chết ở độ tuổi khoảng 35, đã từng sinh con một lần. Giới điều tra cho rằng cô chết do bị ngạt thở, và đã ở trong thân cây này ít nhất là 1 năm; điều khiến nhiều người lạnh gáy là các nhà điều tra cho rằng cô được đặt vào thân cây du núi này khi vẫn còn sống và sau đó mới chết ngạt trong thân cây này. Bàn tay phải của nạn nhân sau đó cũng tìm được ở khu vực lân cận, đồng thời trong miệng nạn nhân, người ta cũng tìm thấy một mảnh vải taffeta. Ngoài ra, không có thông tin gì khác về nạn nhân, kể cả cái tên.
Vào lễ Giáng sinh năm đó, người dân Birmingham lại được phen lạnh gáy khi những dòng chữ bằng phấn bắt đầu xuất hiện trên phố với nội dung “Who put Bella in The Wych Elm” – nghe như một câu hỏi u ám hay một lời tra khảo. Những dòng chữ tương tự bắt đầu xuất hiện khắp thị trấn, và cảnh sát vẫn im lặng trước những động thái đó, đồng thời âm thầm điều tra. Nhiều người đoán già đoán non rằng, người đã viết những dòng chữ “Ai đã đặt Bella vào cây du núi” là người biết về danh tính nạn nhân; từ đó mà xác chết trong cây du rỗng cũng được đặt luôn cái tên Bella – dẫn tới những liên hệ về một gái bán hoa ở Birmingham từng mất tích vào năm 1941.
Khoảng thời gian Bella này biến mất vừa hay trùng khớp với khoảng thời gian phỏng đoán về tuổi của xác chết trong cây du núi, tuy nhiên do không có dữ kiện điều tra khác nên cảnh sát địa phương vẫn không thể xác định được rằng cô gái mất tích năm 1941 có phải chính là Bella trong cây du núi hay không.
Vào năm 1953, địa phương nhỏ bé này lại được một phen chấn động khi tròn 10 năm sau ngày Bella trong cây du núi được tìm thấy, một người phụ nữ tên Una Mossop đã khai báo rằng em họ của mình – Jack Mossop – đã cùng một người Hà Lan tên Van Ralt đặt một người phụ nữ vào trong cây du núi nọ; hai người đã làm thế khi đang say rượu. Câu chuyện nhanh chóng bị bác bỏ khi Jack Mossop là một bệnh nhân tâm thần và đã chết trước thời điểm Una khai báo được vài năm. Vụ án Bella trong cây du núi từ đó trở thành một bí ẩn địa phương với đầy đủ yếu tố của một câu chuyện kinh dị: một vùng đất hoang phế vẫn còn ít nhiều dựa lưng vào núi, một xác chết nằm lẳng lặng trong thân cây du suốt 18 tháng, một bàn tay biến mất như thế là một phần của những nghi thức tà giáo huyền bí v.v… Nhiều người thậm chí còn cho rằng Bella chính là Clara Bauerle, một điệp viên của Đức Quốc Xã, người từng biến mất ở Anh Quốc giữa thời điểm tối tăm nhất của trận chiến. Và rồi, năm 2016, loạt thông điệp “Who put Bella in The Wych Elm” lại nổi lên, một lần nữa ám ảnh người dân địa phương Birmingham.
Bí ẩn này đã được 75 năm tuổi, lâu hơn cả tuổi thọ của Bella nếu như cô không chết vào ngày đó. Tuy vụ án đã ít nhiều rơi vào ngõ cụt, thế nhưng nhiều người vẫn mong danh tính của “Bella trong cây du núi” được xác định để xoa dịu phần nào nỗi đau của người đã khuất.
(nguồn: Tổng hợp)