Đậu nành là cây ưa ẩm, ưa sáng. Sinh trưởng phát triển nhanh. Vòng đời 5 – 6 tháng, có giống dưới 3 tháng đã cho thu hoạch.
Hạt đậu nành và hạt đậu nành nảy mầm.
Thành phần hóa học
Toàn cây chứa 12% nước, 16% glucid, 14- 15% protein, 6% muối khoáng và các chất khác không có nitơ.
Hạt chứa trung bình 8% nước, 4-5% chất vô cơ, trong đó rất nhiều kali(2%), natri (0,38%), Ca(0,23%), photpho(0,65%), magiê(0,24%), S (0,45%).
Glucid từ 15-25% bao gồm các holosid (sacarose, rafinose, stachyose) các pentozan và galactozan. Rất ít tinh bột nhưng lại bị men amylase chuyển thành dextrin và đường.
Chất béo chiếm 15-20% có khi đạt 23%. Tỷ lệ % của các glyxerid axit béo: Linolein 49,3%, olein 32%, linolenin 2%, panmitin 6,5%, stearin 4,2%, aracgidin 0,7%, lignoxerin 0,1% và 0,5% axit panmitooleic hay axit hexadexenoic. Trong dầu béo đậu nành còn có phospholipid chủ yếu là lexitin (1-5%). Lexitin hoặc nằm trong dầu béo (tách ra bằng lạnh) hoặc còn nằm trong phần bã (tách ra bằng dung môi bay hơi). Trong phần dầu béo còn có các chất steron như stigmasterol C30H5003, độ chảy 258°C, sitosterol và một số sapogenol khác.
Chất protid chiếm thành phần chủ yếu 35- 40%, có khi đạt tới 50%, bao gồm một anbumin, một globulin, glyxinin và một casein (photphoproteit) gần giống casein của sữa bò.
Mầm đậu nành chứa các thành phần dinh dưỡng bao gồm:
Isoflavon, riboflavin, saponin, protein, acid amin, acid béo.
Khoáng chất: Natri, kẽm, đồng, kali, sắt, phospho, magie, mangan.
Vitamin A, E, B1, B2, B6, C.
Trong đó, lượng vitamin B1 cao gấp 2 lần so với hạt đậu nành. Lượng vitamin C tăng từ 5 đến 20 lần trong thời gian từ 4- 5 ngày nảy mầm. Lutein và beta- caroten cũng gia tăng. Lượng protein thô giảm sau 5 ngày nảy mầm.
Trong giai đoạn đầu nảy mầm, một số thay đổi sinh hóa diễn ra bên trong hạt:
Protein phân hủy thành oligopeptid và các acid amin tự do.
Polysaccharid phân hủy thành oligosaccharid và monosaccharid.
Chất béo thành các acid béo tương ứng.
Sự gia tăng của vitamin, khoáng chất và các chất có hoạt tính sinh học như isoflavon. Chúng đóng vai trò bảo vệ tế bào chống lại tổn thương do gốc tự do.
Sự giảm một số chất như acid phytic, lipoxygenase liên quan đến vấn đề bất lợi cho hệ tiêu hóa.
Tác dụng của Đậu nành
Theo y học cổ truyền
Đậu nành có vị ngọt, tính bình vào kinh tỳ và thận, có tác dụng giải biểu, lợi thấp, hoạt huyết, khu phong, giải độc, hoàng đản, bổ dưỡng.
Theo y học hiện đại
Đậu nành là thức ăn có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất đường, chất khoáng, nhiều vitamin, enzym, lại dễ tiêu hóa, giúp phát triển và tái tạo màng tế bào, giúp tạo hình cơ, gân, xương, tạo năng lượng.
Mầm đậu nành giúp ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt. Isoflavon trong mầm đậu nành có tác dụng bảo vệ chống ung thư vú. Phytoestrogen có trong mầm đậu nành có ảnh hưởng tích cực chống lại các bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy, phytoestrogen trong mầm đậu nành giúp ngăn ngừa tình trạng mất chất xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Liều lượng và cách dùng Đậu nành
Ngày dùng 10-30g hoặc hơn dưới dạng bột viên, hoặc dưới dạng thức ăn như đậu phụ, chao, bột đậu nành, sữa đậu nành.
Bài thuốc chữa bệnh từ Đậu nành
Tư bổ can thận, cường than đen tóc, dùng thích hợp cho những người thể chất suy nhược, sắc mặt không tươi, tóc bạc sớm hoặc rụng nhiều, có thể dùng làm bột ăn dưỡng sinh hàng ngày :
Đậu tương, vừng đen, lạc, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ lượng bằng nhau, đường trắng lượng vừa đủ. Các vị sao thơm tán bột, trộn đều, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 30g với nước đường hoặc sữa tươi.
Kiện tỳ ích vị, tư âm bổ huyết, chuyên dùng cho sản phụ suy nhược, thiếu máu do thiếu sắt :
Bột đậu tương 100g, bột mì 100g, bột ngô 200g, trứng gà 4 quả, đường đỏ 150g, sữa bò 150g. Ba thứ bột trộn đều cùng đường đỏ, đập trứng và đổ sữa bò vào rồi chế them nước vừa đủ, trộn kỹ, nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, mỗi ngày ăn 30-50g.
Lưu ý khi sử dụng Đậu nành
Protein trong đậu nành có thể làm giảm hấp thu sắt vào cơ thể nếu dùng nhiều. Tuy nhiên hàm lượng protein trong mầm thấp hơn so với trong hạt. Vì vậy, cần cân nhắc về liều lượng và dạng đậu nành mà bạn đang sử dụng.
Trong hạt đậu nành cả vỏ có đường Stachyose và raffinose gây khó tiêu, đầy hơi và tiêu chảy nếu dùng nhiều. Tuy nhiên, quá trình hạt nảy mầm đã làm giảm đáng kể hàm lượng này. Vì thế, bạn cần cần chú ý cách sơ chế và lượng cần dùng mỗi ngày sao cho hợp lý.
Hạt đậu nành sống có chứa enzym chống lại hoạt động của trypsin (men có tác dụng tiêu hóa protein) và soyin (albumin có tính độc trong đậu nành). Hai tác nhân này kìm hãm sự phát triển của cơ thể. Vì vậy, nên nấu chín hạt trước khi dùng để tránh được tác hại nói trên vừa tăng hiệu quả sử dụng.
Nên rửa kỹ trước khi ăn, đặc biệt nếu dùng sống. Những người có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai chỉ nên ăn khi đã nấu chín.
Bảo quản Đậu nành
Mầm đậu nành có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong vòng 2 ngày.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Đậu nành . Ngoài cách sử dụng hạt đậu nành như truyền thống, lợi ích từ việc sử dụng mầm đậu nành cũng rất đáng quan tâm. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.