Cây đại Tướng Quân
Đại tướng quân là cây thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng hỗ trợ điều trị bong gân, đau nhức xương khớp… rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
NỘI DUNG
1. Giới thiệu về cây Đại tướng quân
- Tên thường gọi: Cây náng, Tỏi voi, Chuối nước, Văn thù lang.
- Tên khoa học: Crinum asiaticum L.
- Họ khoa học: Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae).
Cây có hai loại là hoa trắng và hoa đỏ nhưng hoa trắng được sử dụng phổ biến hơn cả.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây Đại tướng quân phân bố từ Ấn Độ đến Indonesia. Tại Việt Nam, Đại tướng quân mọc hoang ở nơi có đất ẩm ướt, khí hậu mát mẻ. Cây thường mọc cạnh bờ sông, suối, ao hồ, sông rạch. Ngoài ra, cây cũng được trồng làm cảnh và thu hoạch để làm thuốc.
Đại tướng quân có thể được thu hái quanh năm, tuy nhiên mùa hè được xem là mùa thích hợp nhất để thu hái dược liệu. Khi làm thuốc, chúng được thu hái quanh năm với nhiều bộ phận khác nhau. Sau đó rửa sạch phơi khô hoặc dùng tươi. Ngoài ra, có thể tán bột dùng ngoài da hoặc nấu thành cao.
Mùa hoa quả tháng 6 – 8.
1.2. Mô tả toàn cây
Đại tướng quân là cây thân thảo, thân hành to, có chiều cao khoảng 1m, đường kính 5 – 10cm, thót lại thành cổ dài 12 – 15cm hoặc hơn.
Lá hình bản dài, nhiều, mọc ở gốc, phiến lá hình mác dài, mặt trên hõm thành rãnh, mép nguyên. Mọc đối xứng hoặc so le nhau. Chiều dài 1 – 1,2m, chiều rộng 5 – 10cm.
Cụm hoa hình tán, gồm 6 – 12 hoa trắng, to, về chiều có mùi thơm dễ chịu. Tán hoa được mang trên một cán dài 40 – 60cm, dẹt, đường kính bằng ngón tay, có mo bao bọc dài 8 – 10cm. Nhị thò ra ngoài, màu đỏ, bao phấn vàng.
Quả mọng hình gần tròn có đường kính khoảng 3 – 5cm. Trong quả thường chỉ chứa một hạt.
1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế
Bộ phận dùng: Toàn cây Đại tướng quân.
Chế biến: Toàn bộ rễ, lá, thân, hoa, hạt dược liệu mang đi rửa sạch, phơi khô hoặc dùng tươi, sắc thuốc uống, bôi ngoài da hoặc nấu thành cao.
1.4. Bảo quản
Bảo quản vị thuốc tại những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt.
2. Thành phần hóa học và tác dụng
2.1. Thành phần hóa học
- Các bộ phận của cây Đại tướng quân, đặc biệt là thân chứa hoạt chất lycorin.
- Rễ cây chứa vitamin, alcaloid harcissin (lycorin) và những hợp chất kiềm làm cho dược liệu có mùi hôi của Tỏi.
- Hạt dược liệu chứa lycorin và crinamin.
2.2. Tác dụng y học hiện đại
Thân cây Đại tướng quân có tính chất đắng, nhuận tràng và long đờm được dùng trong rối loạn tiết niệu, tiểu són đau. Thân hành tươi gây buồn nôn và nôn mà không gây đau bụng hoặc tẩy. Ngoài ra còn có tác dụng làm ra mồ hôi. Thân hành có độc, khi dùng phải cẩn thận.
Lá có tác dụng làm long đờm, chống viêm, giảm sưng, trị bệnh ngoài da.
Hạt có tác dụng tẩy và lợi tiểu, điều kinh.
>> Ngoài Đại tướng quân, Độc hoạt cũng là vị thuốc trị đau xương khớp hiệu quả. Đọc thêm: Độc hoạt: Vị thuốc trị đau xương khớp.
2.3. Tác dụng y học cổ truyền
Tính vị: Vị cay, đắng, tính mát (lá, hạt), tính ấm (thân), có độc.
Quy kinh: Vào kinh Phế, Tỳ và Vị.
Tác dụng: Thông huyết, tiêu sưng, giảm đau, lợi tiểu, nhuận tràng, long đờm, điều hòa kinh nguyệt.
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Có thể phơi khô hoặc dùng tươi, sắc thuốc uống, bôi ngoài hoặc nấu thành cao.
Liều dùng: 10 – 30g/ngày.
Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, bong gân, lưng đau mỏi, chỉ được dùng ngoài, không được uống.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Trị đau nhức xương khớp, bong gân
- Nhân dân thường dùng lá cây hơ nóng đắp và bóp vào những nơi sai gân, bong gân khi ngã. Còn dùng xoa bóp khi bị tê thấp, nhức mỏi.
- Lá Đại tướng quân, Hồi hương, Đinh hương, vỏ Núc nác, vỏ Sồi, Gừng, Dây đau xương, lá Canh châu, lá Thầu dầu tía, lá Kim cang, Huyết giác, Nghệ, hạt Trấp, lá Bưởi bung, lá Tầm gửi cây Khế, giã nát, sao nóng, dùng chườm.
- Sử dụng lá Đại tướng quân 10 – 20g, lá dây Đòn gánh 10g, lá Bạc thau 8g, giã nhỏ, thêm rượu, nướng nóng, dùng đắp lên chỗ đau. Mỗi ngày áp dụng một lần.
- Lá Đại tướng quân 10g, Bồ công anh 20g, lá cây Ngũ trảo 20g, cho vào cối, giã nát với một ít muối hạt. Trộn đều thuốc với rượu trắng trên 40°, dùng đắp vào vùng lưng đau.
4.2. Trị bệnh ngoài da, mụn nhọt
Lá dược liệu mang đi rửa sạch với nước muối, để ráo nước. Cho dược liệu vào cối và giã nát. Đắp vào vùng da bị bệnh. Dùng gạc sạch băng lại. Hoặc cho dược liệu vào cối và giã nát. Chắt lấy phần nước, bỏ bã. Uống mỗi ngày 1 lần.
4.3. Trị bệnh viêm họng
Lá dược liệu mang đi rửa sạch với nước muối, để ráo nước. Cho dược liệu vào cối và thực hiện giã nát. Chắt lấy phần nước. Ngậm và uống mỗi 1 ngày/lần.
5. Kiêng kỵ
- Không nên quá lạm dụng dược liệu vì sẽ gây ngộ độc.
- Nếu ăn phải hành của dược liệu hoặc uống nước ép, người bệnh sẽ bị tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, hô hấp không đều, mạch nhanh, nhiệt độ cơ thể cao. Khi đó, người bệnh giải độc bằng cách dùng dung dịch acid tannic 1 – 2% hoặc nước trà để uống.
- Ngoài ra, để giải độc, người bệnh cũng có thể uống nước đường, nước muối pha loãng hoặc uống giấm kết hợp với nước Gừng theo tỉ lệ 2:1.
Cây Đại tướng quân là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.