Cây Cỏ Dại
Trong quá trình canh tác và trồng trọt, cỏ dại luôn bị xem là “cái gai” trong mắt đối với bà con và thường bị xem là loài thực vật vô dụng, không có bất kỳ lợi ích nào mà con cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp của con người. Chính vì lý do đó, bà con thường tìm những cách tốt nhất để tiêu diệt tận gốc chúng mà không biết rằng, trên thực tế loài thực vật này sẽ mang lại ích lợi nếu biết tận dụng đúng cách. Vậy, cỏ dại là gì, chúng có thực sự đáng sợ hay không, nếu không thì tác dụng của chúng đối với cây trồng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
NỘI DUNG
1. Cỏ dại là gì?
Thực chất không có một khái niệm rõ ràng dành cho cỏ dại, mà chúng ta thường sử dụng cụm từ này để ám chỉ những loài cây mọc ở nơi mà con người không mong muốn. Chính vì sự xuất hiện không đúng chỗ của chúng đã gây ảnh hưởng đến lợi ích của loài người, vậy nên tùy theo không gian, thời gian cũng như mối quan tâm của chúng ta sẽ quyết định việc chúng có bị xem là cỏ dại hay không.
Trong hệ sinh thái tự nhiên, hoa cỏ dại vẫn luôn là một phần không thể thiếu và cũng như những loài động thực vật khác, chúng vẫn luôn không ngừng đấu tranh để tồn tại và duy trì sự cân bằng cần thiết. Trước đây khi chưa có những tiến bộ khoa học kỹ thuật, người nông dân thường chỉ nhìn thấy những bất lợi mà cỏ dại mang lại cho con người, tuy nhiên theo thời gian các nhà khoa học đã chứng minh chúng có thể mang lại lợi ích thiết thực, miễn là chúng ta biết cách quản lý và vận hành theo ý muốn của mình.
Các nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra rằng, cây cỏ dại được xem như vật chủ cho các sinh vật có lợi trong đất cũng như công cụ trong việc ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của sâu bệnh hại. Nhờ vậy, cây trồng sẽ có điều kiện để sinh trưởng và phát triển tốt hơn khi có sự hỗ trợ từ cỏ dại trong một số trường hợp.
2. Những lợi ích của cỏ dại
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, từ bao lâu nay cỏ dại vẫn luôn là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái và có một thực tế là dù bà con có cố gắng đến đâu đi chăng nữa, sử dụng phương pháp gì đi chăng nữa thì sức sống của chúng vẫn vô cùng mạnh liệt và có thể sớm xuất hiện trở lại. Vậy nên, thay vì tìm cách tiêu diệt thì bà con nên tìm hiểu ý nghĩa của cỏ dại rồi chọn lọc, quản lý và tận dụng bởi chúng có thể mang lại những lợi ích thiết thực như:
- Cũng như bao loài thực vật khác, sự sinh trưởng và phát triển của cỏ dại sẽ lấy đi một số dưỡng chất từ đất, tuy nhiên bà con có thể tận dụng chúng làm vật che phủ gốc hoặc ủ xanh để lấy lại dinh dưỡng cho đất. Thêm vào đó, cỏ dại khi chết đi cũng sẽ trả lại cho đất canh tác một lượng hữu cơ đáng kể.
- Các loại cây cỏ dại giúp tăng khả năng giữ ẩm cho đất, giúp cân bằng và tạo điều kiện thuận lợi để hệ vi sinh vật tồn tại, phát triển. Khi đất có độ ẩm tối ưu, những loại động vật như giun, côn trùng… sẽ sinh sôi, phát triển và trở thành “cỗ máy” đào xới tự nhiên để giúp đất trở nên tơi xốp, thông thoáng hơn.
- Vào mùa mưa, cỏ dại cho thấy vai trò quan trọng của mình trong việc chống xói mòn và hạn chế rửa trôi chất dinh dưỡng, nhất là tại những khu vực đất có độ dốc lớn. Trong khi đó vào mùa nắng, cỏ dại sẽ giúp giữ độ ẩm và cân bằng nhiệt độ cho tầng đất mặt, cây trồng nhờ đó mà không bị sốc nhiệt trong trường hợp có sự chênh lệch quá lớn.
- Khi bà con tiến hành cắt cỏ, phần thân rơi trên đất sẽ cung cấp một lượng hữu cơ nhất định, trong khi phần gốc và rễ khô lại sẽ giúp oxy đi vào trong đất một cách dễ dàng hơn.
- Không ít loài cỏ dại có tác dụng tổng hợp các dưỡng chất có trong đất rồi cung cấp chúng cho chính cây trồng, chẳng hạn như cỏ họ đậu có thể giúp tổng hợp đạm.
- Cỏ dại có thể giúp phân tán sâu bệnh hại trong đất mà đặc biệt là tuyến trùng, từ đó khiến chúng không tập trung tấn công cây trồng được nữa.
- Nhờ có cỏ dại, các chuyên gia có thể dễ dàng đánh giá được độ phì nhiêu cũng như cấu trúc của đất. Theo đó, mỗi loại cỏ sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về độ tơi xốp, thành phần dinh dưỡng, độ mặn, độ chua… của đất bởi hầu hết đều có quá trình trao đổi chất rất nhanh, khi xảy ra bất kỳ vấn đề nào với đất và nguồn nước tưới thì chúng là loài thực vật biểu hiện nhanh nhất, rõ nhất và người nông dân chỉ cần chú ý quan sát để kịp thời xử lý tình huống.
- Việc có thể quản lý và tận dụng hiệu quả để cân bằng hệ sinh thái giữa cỏ dại và cây trồng sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, góp phần vào việc bảo vệ môi trường đất, tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc diệt cỏ cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
- Cỏ dại có thể được tận dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhờ đó mà bà con sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể cho chi phí thức ăn.
- Một số loài cỏ dại còn được sử dụng như một vị thuốc quý trong y học cổ truyền.
Có thể thấy rằng, cỏ dại không hẳn là loài thực vật vô dụng mà ngược lại có thể mang đến những giá trị to lớn, miễn là chúng ta biết cách nhìn nhận và tận dụng chúng cho quá trình trồng trọt, canh tác của mình là được.
3. Gợi ý bà con một số loài cỏ dại hữu ích trong vườn
Sau khi hiểu rõ bản chất cỏ dại là gì, tác dụng của cỏ dại đối với cây trồng ra sao thì bà con có thể thấy rằng tùy theo khí hậu và thổ nhưỡng của mỗi vùng đất sẽ xuất hiện các loài cỏ dại khác nhau, có loài gây hại nhưng cũng có loài thực sự hữu ích đối với con người như cỏ bản địa, cỏ họ đậu, cỏ họ cúc, cỏ rau trai, cỏ xuyến chi…
3.1. Cỏ bản địa
Cỏ bản địa thường rất đa dạng và phong phú về chủng loại, chúng có thể là các loại cỏ tranh, cỏ chỉ, cỏ gà với đặc trưng lá dài, thân, rễ ngầm và cứng thường mọc ở khu vực đất ít tơi xốp, nghèo chất dinh dưỡng hoặc các loại cỏ lá tròn vốn ưa thích khu vực đất ẩm, có độ tơi xốp cao cũng như giàu chất dinh dưỡng.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, bà con nên ưu tiên giữ lại những loại cỏ bản địa này trên diện tích đất canh tác của mình, thậm chí còn trồng thêm một số loại cỏ họ đậu, xuyến chi, cỏ ba lá, cỏ trai… để xây dựng một hệ sinh thái vườn đa dạng và phong phú. Khi đạt được điều này, chúng sẽ góp phần vào việc giữ ẩm, chống xói mòn, giúp đất trở nên tơi xốp, hỗ trợ hệ sinh vật phát triển mạnh mẽ hơn, tăng cường sinh khối hữu cơ, cố định đạm, thu hút thiên địch và xua đuổi côn trùng gây hại.
3.2. Cỏ họ đậu
Một số loài cỏ dại phổ biến tại Việt Nam có họ đậu như cỏ đậu, đậu xanh, đậu đen, lạc dại, muồng vàng…sở hữu khả năng tổng hợp và cố định đạm trong đất hết sức ấn tượng. Để làm được điều này, chúng sẽ cộng sinh với các vi khuẩn nốt sần trong rễ để từ đó bổ sung lượng đạm tự nhiên cho cây. Không chỉ có vậy, cỏ họ đậu có lượng sinh khối cao nên khi chết đi sẽ trả lại cho đất rất nhiều dinh dưỡng.
Một lợi ích tuyệt vời khác của cỏ họ đậu là chúng có thể trồng được ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, sức sống tốt, mọc sát đất với mật độ cao nên sẽ tạo được độ che phủ và giúp đất giữ được độ ẩm cần thiết vào những ngày thời tiết khô hanh. Thêm vào đó, đây còn là vật chủ của rệp sáp nên sẽ gánh bớt áp lực với cây trồng nếu có nhiều trong vườn.
3.3. Cỏ họ cúc
Hướng dương, bồ công anh, đại bi, sao nhái… là những loại cỏ dại thường gặp thuộc họ cúc mà bà con nên trồng thêm trong vườn của mình, bởi chúng sẽ mang lại khả năng che phủ và cải tạo độ thông thoáng, bổ sung sinh khối cho đất rất tốt. Không chỉ có vậy, đặc điểm của cỏ dại họ cúc là có mùi hôi đặc trưng nên sẽ mang đến công dụng xua đuổi côn trùng, hạn chế tuyến trùng rất hữu ích cho cây trồng.
3.4. Cỏ rau trai
Đây là loại cỏ khá thường gặp tại các vườn cây ăn trái, chúng có tốc độ phát triển nhanh và cũng vì thế mà mang lại độ che phủ tốt để giữ ẩm cho đất. Bên cạnh đó, bà con còn có thể tận dụng loài cỏ này để làm cây dược liệu và thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm để tiết kiệm đáng kể chi phí chăn nuôi.
3.5. Cỏ Xuyến chi
Một số loài cỏ Xuyến chi thường gặp có thể kể đến như cỏ đơn buốt, cỏ đơn kim, cúc vệ đường… và bà con có thể dễ dàng tìm thấy chúng trên khắp các vùng miền ở nước ta, đặc biệt là ở những vùng đất hoang và ven đường. Cũng tương tự như một số loài cỏ dại có ích đã kể đến ở trên, xuyến chi cho thấy khả năng giữ ẩm, tăng cường độ tơi xốp, hạn chế xói mòn, hạn chế tuyến trùng rễ rất tốt. Không chỉ có vậy, chúng còn giúp thu hút ong bướm và thiên địch để xua đuổi côn trùng có hại trong thời gian ra hoa.
Một số nghiên cứu chuyên sâu cũng đã chỉ ra rằng, xuyến chi nếu được cắt tỉa thường xuyên sẽ là nguồn bổ sung chất hữu cơ tự nhiên rất cao cho đất, bởi trong thân của chúng có chứa lượng sinh khối lớn và rất giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, đây còn là vị thuốc trong y học cổ truyền và là món ăn bổ dưỡng nếu biết cách chế biến.
3.6. Cỏ Lào
Cỏ cộng sản, cỏ tàu bay, cỏ hôi, cỏ bớp… là một số loài cỏ lào thông dụng tại Việt Nam, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc chống xói mòn tại những khu vực có độ dốc lớn, đồng thời mang lại khả năng che phủ và làm tơi xốp đất rất tốt.
Các loại cỏ lào còn được đánh giá là một loại phân xanh hết sức lý tưởng cho cây trồng, bởi phần thân mềm, dễ phân hủy và có chứa lượng sinh khối hữu cơ rất lớn. Cũng theo kinh nghiệm của một số bà con, người nông dân có thể sử dụng cỏ lào như một loại thuốc bảo vệ thực vật tự nhiên để phòng trừ, xua đuổi các loại nấm và sâu bệnh gây hại bằng cách vùi cùng phân xanh.
Trên đây là một số loài cỏ dại thông dụng mà bà con có thể dễ dàng bắt gặp tại khu vực đất canh tác, trồng trọt. Ngoài ra, bà con cũng nên giữ lại một số loại cỏ khác như sài đất, linh lăng, cỏ voi, sâm đất, bồ ngót nhật, rau má… để giúp ích cho cây trồng trong vườn nhà.
4. Quản lý cỏ dại như thế nào cho đúng cách?
Như đã đề cập, một số loài sẽ trở nên hữu ích nếu biết phân biệt các loại cỏ dại và quản lý đúng cách, dưới đây sẽ là một số gợi ý dành cho bà con:
- Không nên sử dụng thuốc diệt cỏ để tận diệt các loài cỏ dại mà chỉ nên tiến hành nhổ bỏ, trồng xen nhiều loại cỏ khác nhau để chúng tự canh tranh và loại bỏ lẫn nhau. Sau một thời gian, bà con sẽ nhận thấy rằng một số loại cỏ không thực sự hữu ích sẽ tự động biến mất. Đây là cách làm rất thân thiện với môi trường và được khuyến khích nên áp dụng hiện nay.
- Chỉ nên cắt cỏ khi chúng mọc quá cao, hạn chế cắt vào những mùa nắng hạn còn vào mùa mưa thì chỉ cần cắt từ 2 đến 3 lần. Trong trường hợp muốn tiết kiệm chi phí cắt cỏ, bà con có thể ưu tiên trồng một số loại mọc sát đất như lạc dại, rau trai…
- Nên cắt cỏ cách mặt đất từ 10 – 15cm, không đánh bật gốc hay cắt sát mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chúng nhanh sinh khối trở lại. Riêng đối với một số loài cỏ có hoa, bà con chỉ nên cắt khi hoa đã tàn và hạt đã đổ xuống.
- Cỏ dại sau khi cắt xong thì không vứt bỏ ngay mà có thể sử dụng để phủ lên mặt đất, điều này sẽ giúp tăng độ che phủ cũng như bổ sung thêm sinh khối hữu cơ cho đất.
- Sử dụng một số loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh để bảo vệ hệ sinh thái cỏ và cây trồng hiệu quả.
5. Tận dụng cỏ dại để ủ phân hữu cơ
Không chỉ quản lý đúng cách để mang lại hiệu quả, bà con còn có thể tận dụng cỏ dại để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, từ đó giúp chúng sinh trưởng và phát triển một cách tốt nhất mà không tốn quá nhiều chi phí phân bón.
5.1. Chuẩn bị nguyên vật liệu
Để làm phân bón hữu cơ từ cỏ dại, bà con cần chuẩn bị một số nguyên vật liệu cần thiết như sau:
- Nguyên liệu khô như cỏ dại khô, lá cây khô, rơm…
- Nguyên liệu nâu như giấy, bìa carton, vỏ trứng, túi lọc trà, mạt cưa…
- Nguyên liệu xanh như rau củ quả sống, cỏ dại tươi mới xén, vỏ trái cây, bã cà phê, phân tươi, cành cây…
- Chế phẩm sinh học Trichoderma: đây là chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma do Viện Nghiên cứu Sinh học Ứng dụng sản xuất, phân phối tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm dạng bột có chứa lượng lớn vi nấm Trichoderma có tác dụng cao trong việc tấn công, ký sinh và ức chế các loại nấm bệnh gây hại cho cây trồng.
Không chỉ có vậy, chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma còn có khả năng thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, giúp đất trở nên tơi xốp hơn và giữ được độ phì nhiêu. Không chỉ có vậy, chế phẩm còn giúp phòng ngừa tình trạng xì mủ, vàng lá, thối rễ, chết chậm, chạy dây, thối rễ, thối thân ở nhiều loài cây trồng như cam, quýt, bưởi, sầu riêng, dưa leo, dưa hấu… để tăng năng suất mùa màng và chống chịu stress. Với rất nhiều công năng ấn tượng, đây là nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình ủ phân hữu cơ với cỏ dại.
- Một chiếc thùng với dung tích lớn.
- Bình tưới nước.
- Dụng cụ dùng để trộn nguyên liệu.
5.2. Tiến hành ủ phân hữu cơ với cỏ dại
Sau khi đã chuẩn bị đủ nguyên vật liệu, bà con tiến hành ủ phân hữu cơ với cỏ dại theo các bước như sau:
- Bước 1: Rải một lớp nguyên liệu khô như cỏ dại khô, cây khô, rơm… xuống đáy thùng với độ dày khoảng 10cm, kế đến rải thêm một lớp nguyên liệu nâu cũng có độ dày 10cm.
- Bước 2: Hòa tan chế phẩm Trichoderma với nước theo hướng dẫn trên bao bì rồi tưới lên bề mặt 2 lớp nguyên liệu đã có trong thùng, sau đó tiếp tục cho một ít phân hoặc đất vườn lên trên.
- Bước 3: Dùng bình nước tưới nhẹ lên lớp hỗn hợp để nước thấm đều.
- Bước 4: Cho thêm nguyên liệu xanh, chế phẩm Trichoderma và đất vườn hoặc phân mỏng thành từng lớp cho đến khi đầy thùng.
- Bước 5: Đậy kín thùng chứa rồi đặt ở nơi kín gió, có khả năng giữ được độ ẩm tốt. Sau 10 ngày, bà con mở ra để kiểm tra độ ẩm của phân ủ, nếu nhận thấy không có mầm cỏ tức nấm đối kháng đã hoạt động tốt. Bà con tiến hành tưới thêm nước để bổ sung độ ẩm, che bạt rồi đợi thêm 20 ngày trước khi trộn đều nguyên liệu rồi đậy kín lại một lần nữa.
- Bước 7: Sau 30 ngày kể từ lúc ủ, bà con kiểm tra phân ủ mà có các dấu hiệu như mềm, ẩm, tơi xốp, có màu nâu đen, xuất hiện các mảng nấm trắng với mùi chua đặc trưng thì quá tình ủ đã thành công và có thể mang ra sử dụng.
Hy vọng rằng với những bài viết trên đây, bà con đã hiểu rõ hơn cỏ dại là gì, tác dụng cỏ dại với cây trồng ra sao, cũng như làm thế nào để quản lý và tận dụng một cách hiệu quả nhất trong hoạt động trồng trọt, canh tác. Để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin hữu ích về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, bà con hãy thường xuyên truy cập website của chúng tôi mỗi ngày nhé!