Cây Cỏ Bạc đầu
Cỏ bạc đầu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bạc đầu cánh, cỏ đầu tròn, cói bạc đầu lá ngắn,… Trong một số tài liệu Y học cổ truyền cho biết, cỏ bạc đầu có vị cay, tính bình. Loại dược liệu này có tác dụng lợi tiểu, tê thấp, trực trùng, trừ độc, hỗ trợ chữa sốt rét, cảm mạo, đái táo dưỡng thấp, viêm gan vàng da,…
NỘI DUNG
- 1 Tên gọi – Phân loại
- 2 Đặc điểm sinh thái của cỏ bạc đầu
- 3 Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
- 4 Thành phần hóa học của cỏ bạc đầu
- 5 Tác dụng dược lý của cỏ bạc đầu
- 6 Tính vị và quy kinh của dược liệu cỏ bạc đầu
- 7 Cách dùng và liều lượng sử dụng cây cỏ bạc đầu
- 8 Cỏ bạc đầu và những bài thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm của dân gian
- 8.0.1 1. Bài thuốc trị đái ra dưỡng chấp
- 8.0.2 2. Bài thuốc trị sốt rét
- 8.0.3 3. Bài thuốc trị ho thông thường, ho gà, viêm khí quản
- 8.0.4 4. Bài thuốc trị mụn nhọt, viêm mủ da, trị rắn cắn
- 8.0.5 5. Bài thuốc trị đau chân (kinh nghiệm của người dân Malaysia)
- 8.0.6 6. Bài thuốc trị vàng da, viêm gan truyền nhiễm
- 8.0.7 7. Bài thuốc xông hơi trị chứng cảm mạo, nghẹt mũi
- 8.0.8 8. Bài thuốc trị viêm xoang
- 8.0.9 9. Bài thuốc trị rong kinh
- 8.0.10 10. Bài thuốc cầm máu, trừ ứ
- 8.0.11 11. Bài thuốc chữa bệnh phụ khoa
- 8.0.12 12. Bài thuốc trị rôm sảy, mụn nhọt
- 8.0.13 13. Bài thuốc trị dị ứng, côn trùng cắn
- 8.0.14 14. Bài thuốc trị bệnh thận
- 8.0.15 15. Bài thuốc trị bệnh suy nhược thần kinh
- 9 Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu cỏ bạc đầu
Tên gọi – Phân loại
- Tên gọi khác: Bạc đầu cánh, Cói bạc đầu lá ngắn, Cỏ đầu tròn, Thủy ngô công, Nhá boóc đon (dân tộc Thái), Pó dều dều,…
- Tên khoa học: Kyllinga Nemoralis
- Họ: Cói (Cyperaceae)
Đặc điểm sinh thái của cỏ bạc đầu
Mô tả cỏ bạc đầu
Cỏ bạc đầu là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Chiều cao trung bình của cây chừng 7 – 20cm. Cây có thân rễ mọc bò. Thân cỏ bạc đầu có màu xanh đậm, phân thành nhiều nhánh khác nhau, không có gai. Lá dài nhưng ngắn hơn so với thân. Mỗi cây có 3 – 4 lá bắc hình lá dài khoảng 10cm.
Cụm hoa có dạng hình cầu với đường kính khoảng 4 – 8mm. Mỗi cụm hoa chứa 1 – 3 hoa hình trụ. Cánh hoa hơi nhỏ, đầu hơi nhọn, có lông. Thời điểm ra hoa thường vào mùa hè. Quả bế, hình hơi bầu dục dẹp. Quả thường có màu vàng nhạt.
Toàn cây cỏ bạc đầu có mùi thơm đặc trưng, nhưng bộ phận thơm nhất là thân rễ.
Cỏ bạc đầu phân bố nhiều ở đâu?
Cỏ bạc đầu là loại cây mọc dại, thường mọc nhiều ở vùng đất ẩm ướt, nhiều ánh nắng như bờ sông, bãi đất hoang, dọc bờ bờ suối. Loại cây này thường tìm thấy nhiều ở các tỉnh thành thuộc châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia,… Ở nước ta, cỏ bạc đầu xuất hiện khá nhiều, rải rác ở một số tỉnh thành dọc từ Bắc xuống Nam như: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang,…
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
+ Bộ phận dùng: Sử dụng toàn bộ cỏ bạc đầu để bào chế thành thuốc chữa bệnh hoặc làm thức ăn cho gia súc.
+ Thu hái: Có thể thu hái quanh năm.
+ Chế biến: Rửa sạch toàn bộ dược liệu đã được thu hoạch bằng nước để loại bỏ lớp đất cát, bụi bẩn và tạp chất. Sau đó có thể sử dụng ngay ở dạng tươi. Nếu sử dụng ở dạng khô, cần thái cỏ bạc đầu thành từng đoạn nhỏ khoảng 3 – 4 cm rồi đem phơi khô để dùng dần.
+ Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu khô trong bao bì kín và cất trữ ở nơi thoáng mát. Đối với dược liệu tươi, nên sử dụng hết trong ngày.
Thành phần hóa học của cỏ bạc đầu
Thành phần hóa học chính trong cỏ bạc đầu là các tinh dầu và một số hoạt chất khác.
Tác dụng dược lý của cỏ bạc đầu
Trong một số tài liệu Y học cổ truyền cho biết:
+ Công dụng: Cỏ bạc đầu có tác dụng khu phong, chỉ thống, lợi tiểu và giải biểu tiêu thũng.
+ Chủ trị: Dược liệu cỏ bạc đầu được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:
- Một số vấn đề về đường hô hấp: ho thông thường, ho gà, viêm phế quản, viêm họng sưng đau;
- Sốt rét, cảm mạo;
- Lỵ trực tràng, tiêu chảy;
- Vết bầm cho bị té ngã hay tổn thương;
- Rắn cắn;
- Mụn nhọt, lở ngứa ngoài da;
- Rong kinh, kinh nguyệt không đều ở nữ giới.
Tính vị và quy kinh của dược liệu cỏ bạc đầu
- Tính vị: Trong Đông y, cỏ bạc đầu có vị cay, tính bình.
- Quy kinh: Chưa có tài liệu nào ghi nhận về vấn đề này.
Cách dùng và liều lượng sử dụng cây cỏ bạc đầu
- Liều dùng: Dùng 10 – 30 gram/ ngày. Tuy nhiên, đây không hẳn là liều lượng cố định. Liều dùng có thể bị thay đổi tùy vào đối tượng, bệnh tình và mức độ bệnh lý.
- Cách dùng: Đa phần, cỏ bạc đầu thường dùng ở dạng thuốc sắc, có thể sử dụng độc vị hoặc kết hợp với một số vị thuốc khác. Một số trường hợp cũng có thể sử dụng loại dược liệu này để đắp ngoài hoặc đun nước để rửa vị trí đau.
Cỏ bạc đầu và những bài thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm của dân gian
Cỏ bạc đầu là dược liệu nguyên bản và được dân gian sử dụng trong một số bài thuốc sau:
1. Bài thuốc trị đái ra dưỡng chấp
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu và long nhãn (cùi nhân) mỗi vị 50 gram.
- Cách thực hiện: Mang hai vị thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ để lấy nước dùng. Dùng mỗi ngày một thang và kiên trì áp dụng trong nhiều ngày liền.
2. Bài thuốc trị sốt rét
- Chuẩn bị: 60 gram cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ cây cỏ bạc đầu vừa được chuẩn bị rồi đem sắc lấy nước dùng. Uống thuốc trước khi có triệu chứng sốt chừng 4 giờ.
3. Bài thuốc trị ho thông thường, ho gà, viêm khí quản
- Chuẩn bị: 60 gram cây cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Đem cỏ bạc đầu rửa sạch qua nhiều lần nước để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Sau đó đem sắc cùng với 750ml nước lọc. Tiến hành đun sôi cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 200ml. Chia lượng nước sắc được thành 2 phần nhỏ để uống hết trong ngày. Nên uống thuốc khi còn ấm.
4. Bài thuốc trị mụn nhọt, viêm mủ da, trị rắn cắn
- Chuẩn bị: 30 – 60 gram cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Làm sạch cỏ bạc đầu rồi đem sắc lấy nước uống. Dùng mỗi ngày một lần.
5. Bài thuốc trị đau chân (kinh nghiệm của người dân Malaysia)
- Chuẩn bị: Một nắm thân rễ cây cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Làm sạch một nắm thân rễ cây cỏ bạc đầu bằng nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn. Sau đó cho vào cối để giã nát. Làm sạch chân bị đau rồi đắp toàn bộ thân rễ đã được giã nát lên vị trí đau. Dùng băng gạc để cố định trong 30 phút.
6. Bài thuốc trị vàng da, viêm gan truyền nhiễm
- Chuẩn bị: 40 – 80 gram cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Dùng cây cỏ bạc đầu để sắc lấy nước uống. Có thể chia nhỏ thành 2 – 3 lần uống trong ngày đều được.
7. Bài thuốc xông hơi trị chứng cảm mạo, nghẹt mũi
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu và lá tía tô mỗi vị một nắm. Dùng tất cả nguyên liệu ở dạng tươi.
- Cách thực hiện: Làm sạch hai loại nguyên liệu vừa được chuẩn bị rồi cho vào nồi nước sôi, tiến hành đun thêm 5 phút, sau đó tắt bếp. Đổ toàn bộ nước ra chậu lớn rồi tiến hành xông hơi.
8. Bài thuốc trị viêm xoang
+ Bài thuốc số 1:
- Chuẩn bị: 60 gram cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Rửa sạch cỏ bạc đầu rồi đem sắc lấy nước để uống. Nên uống thuốc khi thuốc còn đủ ấm.
+ Bài thuốc số 2:
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu, mẫu kinh, rễ bồ hòn và lá cây dừa với mỗi vị là 15 gram. Dùng tất cả nguyên liệu ở dạng tươi.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với 750ml nước lọc. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 200ml. Chắt lọc lấy phần nước cốt để uống. Dùng mỗi ngày 1 thang thuốc.
9. Bài thuốc trị rong kinh
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu, ngải cứu và thảo hạc với liều lượng bằng nhau.
- Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nguyên liệu trên rồi cho vào cối và tiến hành giã nát. Chắt lọc lấy phần nước cốt để uống. Có thể chia nhỏ thành 2 phần để uống hết trong ngày.
10. Bài thuốc cầm máu, trừ ứ
- Chuẩn bị: 1 – 2 nắm cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Rửa sạch cỏ bạc đầu đã được chuẩn bị rồi đem giã nát. Chắt lọc lấy phần nước cốt để uống.
11. Bài thuốc chữa bệnh phụ khoa
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu và khổ sâm với liều lượng bằng nhau.
- Cách thực hiện: Mang hai vị thuốc đã được làm sạch đem nấu cùng với 1 lít nước. Dùng nước đun được để rửa bộ phận sinh dục. Áp dụng mỗi ngày một lần.
12. Bài thuốc trị rôm sảy, mụn nhọt
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Rửa sạch một nắm cỏ bạc đầu rồi đem nấu cùng với 2 lít nước lọc. Dùng phần nước đun được để tắm hoặc ngâm rửa vùng da bị tổn thương.
13. Bài thuốc trị dị ứng, côn trùng cắn
- Chuẩn bị: Một nắm cỏ bạc đầu.
- Cách thực hiện: Làm sạch một nắm cỏ bạc đầu rồi đem giã nát. Đắp một lượng vừa đủ lên vùng da bị dị ứng hoặc bị côn trùng cắn/ đốt.
14. Bài thuốc trị bệnh thận
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu và long nhãn với mỗi vị là 15gram.
- Cách thực hiện: Rửa sạch toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị qua nhiều lần nước rồi đem sắc để lấy nước dùng. Nên dùng thuốc khi còn ấm
15. Bài thuốc trị bệnh suy nhược thần kinh
- Chuẩn bị: Cỏ bạc đầu và cỏ cứt lợn mỗi vị 15 gram cùng với rau bợ và chua me đất mỗi vị 12 gram.
- Cách thực hiện: Rửa sạch toàn bộ dược liệu rồi đem sắc lấy nước dùng. Kiên trì sử dụng trong 10 ngày để thấy bệnh tình được cải thiện.
Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu cỏ bạc đầu
Trong và trước khi sử dụng cỏ bạc đầu, bạn cần lưu ý để một số vấn sau để phòng tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn:
- Các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với cỏ bạc đầu không nên sử dụng;
- Không nên sử dụng cỏ bạc đầu tươi để uống. Nếu dùng ở dạng tươi, có thể gây kích ứng miệng, cổ họng, đường tiêu hóa, đường tiết niệu,…;
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú cần hạn chế sử dụng dược liệu cỏ bạc đầu;
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời dược liệu cỏ bạc đầu với một số loại thuốc đặc trị. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là những thông tin về cỏ bạc đầu cũng như một số bài thuốc liên quan đến dược liệu này. Tuy nhiên, những thông tin về loại dược liệu này còn hạn hẹp và chưa được giới y học hiện đại nghiên cứu và đưa ra những báo cáo cụ thể. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để có những cách dùng và liều lượng cụ thể để phòng tránh một số trường hợp rủi ro có thể xảy ra.
Những thông tin trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn đọc quan tâm:
- Hoàng kỳ
- Cỏ ngọt
- Cây chó đẻ răng cưa