Cây đa Bác Hồ

Công viên Thống Nhất có diện tích hơn 50 ha, nằm trên các tuyến phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Một số cụ cao niên cho biết, khu vực này trước đây vốn là vùng đầm hồ và bãi rác, tứ phía là các làng cổ. Đến năm 1958, Hà Nội quyết định xây dựng nơi đây thành công viên để làm chốn vui chơi giải trí cho người dân Thủ đô. Thời điểm ấy, đất nước vẫn còn chia cắt, miền Nam chưa được giải phóng, nên Công viên được đặt tên “Thống Nhất” nhằm thể hiện khát vọng sớm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Công viên được xây bằng lao động tự nguyện của người Hà Nội, trong đó có hàng ngàn học sinh, sinh viên các trường đại học, công nhân viên chức đã thực hiện phong trào lao động xã hội chủ nghĩa, gánh đất, nạo vét hồ, san đất, trồng cây… Khi đó, nhân dân, đặc biệt là những người cán bộ, viên chức miền Nam đang làm việc ở miền Bắc thường tập kết, tụ họp và tổ chức sinh hoạt hàng tháng, hàng tuần ở những khu vực công cộng của công viên này. Họ gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ những tin tức về miền Nam, tưởng nhớ về miền Nam. Năm 1980, Công viên Thống Nhất đổi tên thành Công viên Lê nin, sau khi Công viên Lê nin tại Ba Đình được xây dựng thì công viên này lại trở lại với cái tên nguyên bản là Công viên Thống Nhất.

Ngày 28/11/1959, báo Nhân Dân số 2082 đã đăng bài viết “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực. Hơn một tháng sau, ngày 19/1/1960, báo Nhân Dân ra số 2133 lại đăng tiếp bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” với bút danh T.L. Đó là những bài viết đầu tiên của Người nhằm động viên toàn dân tham gia vào phong trào BVMT sống của con người. Tết Nguyên Đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Từ đây, chúng ta đã có các phong “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi đến ngày nay, có “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là những dấu ấn đậm nét về quyết tâm làm theo lời Bác của nhân dân ta.

Xem Thêm Bài Viết  Cây Cải Xoong: Tìm Hiểu Về Loại Rau Quý

Kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực hiện trước. Ngày 11/1/1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng Xuân, Bác cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Thống Nhất. Mọi người ùa ra đón Bác, quây quần quanh Bác. Ai cũng muốn được nhìn thấy Bác. Người xuất hiện trong bộ trang phục màu nâu sẫm giản dị. Sau giây lát chào hỏi mọi người, Người tự tay cầm xẻng, xúc đất vun trồng một cây đa. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với nhân dân và cán bộ tham gia lao động, Người căn dặn, phải trông nom, chăm sóc, bảo vệ cây trồng “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều”. Bác nói: “Trong 10 năm nữa phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hoà hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Từ đó đến nay, lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Gần 60 năm qua, cây đa Bác trồng từ những năm đầu của phong trào Tết trồng cây đã tỏa bóng xanh ngát. Cây đa có nhiều cành ngang, tán tròn như đĩa xôi đầy, rễ phụ từ buông xuống chạm đất đã bén rễ, phát triển thành các thân cây phụ, tạo nên những hình dáng rất ấn tượng. Theo thời gian, cây đa Bác trồng vẫn không ngừng vươn lên như biểu tượng cho sức sống trường tồn của một nhân cách thanh cao, giản dị, tràn đầy lòng yêu thiên nhiên, đồng bào và đất nước. Và không biết tự bao giờ, cây đa đã trở thành không gian thư giãn của người dân trong khu vực, cũng như điểm đến của mỗi du khách khi ghé thăm Công viên Thống Nhất. Nhiều lãnh đạo của nước ta và một số nước trên thế giới đã từng đến đây để trồng cây lưu niệm. Đó là những dấu ấn lịch sử một thời của Hà Nội hào hùng, Hà Nội vươn lên trong khói lửa của chiến tranh và phát triển không ngừng. Những cây xanh đó luôn được cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất đặc biệt quan tâm, chăm sóc cẩn thận, với tình cảm thiêng liêng và trân trọng.

Xem Thêm Bài Viết  Cây đỗ Trọng Nam - Chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh

Tự hào là địa phương mở đầu phong trào Tết trồng cây trong cả nước, từ đó đến nay, năm nào Hà Nội cũng tiến hành “phủ xanh”. Gần đây nhất, năm 2016, Hà Nội tiến hành chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh. Đến nay, sau 3 năm triển khai, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu, nhiều tuyến phố khoác lên mình những sắc màu tươi mới. Không chỉ tiếp tục nhân rộng những loài cây như: lát hoa, chiêu liêu, bàng lá nhỏ…, phố phường Hà Nội thêm đẹp hơn với hàng ban nữ hoàng, muồng hoàng yến trên đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, hàng phượng vĩ trên tuyến đường Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt. Ấn tượng nhất phải kể đến những tuyến phố cửa ngõ, hay trục xuyên tâm lớn của thành phố. Tại đây, cây xanh được trang trí thành nhiều tầng. Tầng cao là các loại chiêu liêu, bàng lá nhỏ; tầng giữa là hàng cọ dầu, ban hoàng hậu; tầng thấp nhất là những cây tường vi, bụi dâm bụt. Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu trồng mới thêm 600.000 cây xanh. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, thành phố đã xanh, sạch, đẹp hơn, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống công viên cây xanh ở Hà Nội hiện vẫn phát triển chưa theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị, chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường, tỷ lệ cây xanh, cây hoa trên một số địa bàn còn ít; hệ thống vườn ươm còn hạn chế về quy mô, số lượng, chủng loại cây còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cây xanh thành phố, cây cho dự án cũng như đảm bảo cây thay thế… Thiết nghĩ, cần có một chiến lược quy hoạch trồng cây xanh bài bản, tổng thể, dài hạn trên phạm vi cả nước, trồng theo kế hoạch, trồng đâu được đấy, đúng số lượng, chủng loại, quy cách, thổ nhưỡng, vừa đảm bảo môi trường vừa có hiệu quả kinh tế …, để Tết trồng cây thực sự có ý nghĩa trong mỗi dịp Xuân về.

Xem Thêm Bài Viết  Cây Mận Rừng - Sắc hoa lạ, quả ngon thơm

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. Mùa Xuân này, đến với công viên Thống Nhất, ngồi dưới bóng cây đa lớn Bác trồng, lại nhớ đến những câu thơ của Bác đã viết về Tết trồng cây:

“Muốn làm nhà cửa tốt,

Phải ra sức trồng cây

Chúng ta chuẩn bị từ rày,

Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”.

Rate this post