Cây Cốt Toái Bổ – Vị Thuốc Quý Trị Nhiều Bệnh

Cốt toái bổ là một thành phần quý trong các bài thuốc Đông y có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh về xương khớp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cây thuốc này.

1. Cốt toái bổ là gì?

  • Tên khoa học: Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J.Sm.
  • Họ: Dương xỉ (Polypodiaceae)

Cốt toái bổ còn được gọi với nhiều tên khác nhau như tổ phượng, tổ rồng, tắc kè đá, bổ cốt toái, co tạng tố (theo tiếng Thái ở Quỳnh Nhai), Co in tó (theo tiếng Thái ở Điện Biên). Tên gọi cốt toái bổ được lấy từ tác dụng của cây này, có khả năng liền những xương bị dập gãy. Trong tiếng Thái, Co tạng tó có nghĩa là đặt vào và liền lại, có thể liền xương và tổn thương. Ngoài ra, in trong Co in tó có nghĩa là gân, có thể nối liền gân cốt.

2. Đặc điểm dược liệu

Cốt toái bổ thuộc họ dương xỉ, có thân rễ mọc lan, thân dày và dẹp, có lông dạng vảy màu nâu nhạt bao phủ. Cây thường có hai loại lá:

  • Loại thứ nhất: Lá bất thụ, màu nâu, hình trứng, kích thước từ 5 – 8cm chiều dài, 3 – 6cm chiều rộng, phía cuống lá có gân nổi rõ.
  • Loại thứ hai: Lá hữu thụ, màu xanh thẫm, có cấu tạo đơn xẻ thùy lông chim, dài từ 20 – 40cm. Phần cuống có thùy thuôn, có rìa và có mạng xếp thành một hàng ở mỗi bên gân chính, không có áo tử nang và hình tròn.

Cây sinh trưởng bằng hình thức bào tử và mùa sinh trưởng diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8.

3. Phân bố

Cốt toái bổ thường mọc tại các hốc đá, trên những đám rêu hoặc phát triển trên những thân cây cổ thụ lớn như cây đa, cây si. Cây thường mọc ở các vùng núi đá, dọc các con suối và rừng tại các tỉnh giáp với Trung Quốc, ít khi gặp ở các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào. Hiện nay, thảo dược này đã rất ít còn tồn tại trong tự nhiên, loại thực vật này có tên trong Sách đỏ Việt Nam và cần được bảo tồn.

Xem Thêm Bài Viết  Cây Chiêu Liêu - Cây Cảnh Đẹp và Vị Thuốc Quý

4. Thành phần hóa học

Cốt toái bổ chứa tổng cộng đến 369 hợp chất khác nhau. Nghiên cứu cho thấy cây này giàu các hợp chất chống oxy hóa như Flavonoid, proanthocyanidin, triterpenoids, axit phenolic và lignans.

Trong Thực vật chí Trung Quốc (1961, 447), thân rễ cốt toái bổ còn có chứa chất chống oxy hóa hesperidin (CA., 1970, 73, 11382j) và 25 – 34.89% tinh bột.

5. Thu hái và bào chế

Bộ phận chủ yếu dùng làm thuốc là thân rễ khô của cây. Sau khi thu hái về, dược liệu cần được rửa sạch, cắt bỏ lá và cạo sạch lông.

Cách bào chế cốt toái bổ khá đơn giản và dễ bảo quản. Cây có thể được thái mỏng, phơi khô hoặc tẩm với mật hoặc rượu để làm thành thuốc sắc. Ngoài ra, nếu cây chưa được cạo sạch lông, ta có thể sao thân, rễ cốt toái bổ với cát đến khi chúng chuyển sang màu xám và phồng lên. Sau đó, lọc bỏ cát, để nguội và đập sạch lông.

6. Tác dụng quý của cây Cốt toái bổ

Tại nhiều địa phương thuộc miền núi, người dân coi cây thuốc này như một “vật báu” và thậm chí cả “săn lùng” vì tin rằng nó có thể chữa được đến 36 loại bệnh.

Theo y học cổ truyền, cốt toái bổ có vị đắng, tính ôn, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, hành huyết, phá ứ, cầm máu, khu phong, trừ thấp và giảm đau. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để chữa các chứng thận hư suy giảm chức năng nội tiết, tiêu chảy kéo dài, trị chấn thương và bong gân tụ máu.

Trong y học hiện đại, cây cốt toái bổ còn có tác dụng tăng cường sự hấp thu canxi và photpho, giúp làm nhanh lành các vết thương ở xương. Đặc biệt, nó có tác dụng phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch.

  • Liều dùng: Liều dùng hàng ngày là 6 – 12g. Dùng ngoài không có liều lượng.
  • Cách dùng: Dùng uống hay đắp ở ngoài. Có thể dùng dưới hình thức thuốc sắc, ngâm rượu, hoặc giã đắp lên vết thương.
Xem Thêm Bài Viết  Cây Cao Su – Những Dấu Ấn Đặc Biệt Trên Hành Trình Phát Triển Của Việt Nam

7. Một số bài thuốc chữa bệnh sử dụng Cốt toái bổ

7.1. Bài thuốc bổ thận chắc răng

Điều trị các chứng thận hư, dương phù sinh đau răng, chảy máu chân răng, răng lung lay.

  • Bài thuốc 1: Dùng Cốt toái bổ, giã nhỏ, sao đen, tán thành bột mịn, sau đó sát vào lợi.
  • Bài thuốc 2: Kết hợp Cốt toái bổ 16g với Thục địa 16g, Sơn dược 12g, Sơn thù 12g, Bạch linh 12g, Đơn bì 12g, Trạch tả 12g, Tế tân 2.4g, sau đó sắc uống mỗi ngày.

7.2. Bài thuốc chữa tiếp cốt liệu thương

Dùng trong trường hợp té ngã bị thương, xương gãy lâu liền.

Bài thuốc 1:

  • Chuẩn bị Cốt toái bổ, lá sen, trắc bách diệp, bồ kết với liều lượng bằng nhau, tán thành bột mịn.
  • Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, hòa với nước hoặc trộn với nước nóng thành hồ, đắp ngoài.

Bài thuốc 2:

  • Dùng Cốt toái bổ 15g, Sinh địa 10g, lá sen tươi 10g, Trắc bá diệp tươi 10g để sắc lấy nước uống.
  • Công dụng chữa lành vết thương, gân cốt tổn thương, răng bị viêm, lung lay hoặc chảy máu.

Bài thuốc 3:

  • Chuẩn bị Cốt toái bổ 12g, Đảng sâm 16g, Hoàng kỳ 12g, Hoài sơn 16g, Ba kích 16g, Bạch truật 12g, Đương quy 12g, Cẩu tích 12g, Tục đoạn 12g, Mẫu lệ 12g, Thiên niên kiện 8g.
  • Sắc uống hoặc nấu thành cao lỏng.
  • Tác dụng: bổ khí huyết, bổ gân xương, người già suy nhược cơ thể, gãy xương lâu liền.

7.3. Bài thuốc chữa bệnh phong thấp

  • Chuẩn bị các vị thuốc như rễ gắm 120g, Cốt toái bổ 40g, vỏ chân chim 100g, rễ Rung túc 800g, Bạch hoa xà 60g, rễ Chiên chiến 600g, Bạch đồng nữ 40g, Xích đồng nam 40g, Tiền hồ 40g, Ô dược 40g, Cỏ xước 40g, rễ bưởi bung 40g.
  • Nấu các vị thuốc đã chuẩn bị trên thành cao đặc, sau đó ngâm với rượu trắng trong vòng 3 ngày. Dùng mỗi ngày uống 2 lần để chữa bệnh phong thấp hiệu quả.

7.4. Chữa chứng đau nhức răng, thận hư yếu và tai ù

  • Chuẩn bị: Bầu dục lợn 1 cái và Cốt toái bổ tán bột.
  • Thực hiện: Cho dược liệu vào bầu dục lớn, nướng chín và dùng ăn trực tiếp.

7.5. Bài thuốc chữa đau lưng gối mỏi do thận hư yếu

  • Chuẩn bị: Đỗ trọng, Bổ cốt toái và Tỳ giải mỗi vị 16g, Thỏ ty tử, Dây đau xương, Rễ gối hạc và Ngưu tất mỗi vị 12g, Cẩu tích 20g, Hoài sơn 20g.
  • Thực hiện: Sắc các vị thuốc và dùng đều đặn hàng ngày.
Xem Thêm Bài Viết  Cây Bán Hạ

7.6. Bài thuốc chữa máu tụ và bong gân do chấn thương

  • Chuẩn bị: Rễ củ của cây khi còn tươi.
  • Thực hiện: Bỏ hết lá khô, lông tơ, rửa sạch và giã nát. Rồi rắp nước gói trong lá chuối đã nướng, sau đó đắp lên vùng đau nhức và bó lại.

7.7. Bài thuốc chữa chứng khô miệng, toàn thân mệt mỏi, đầu nặng, chân tay bủn rủn, thận hư yếu

  • Chuẩn bị: Tang ký sinh, sâm bố chính, gạc nai nướng và củ mài mỗi vị 6g, nhụy sen và mẫu đen mỗi vị 4g, Hà thủ ô đỏ 12g và Cốt toái bổ 6g.
  • Thực hiện: Sắc các vị thuốc để lấy nước uống.

7.8. Bài thuốc giúp bồi bổ gân xương

  • Chuẩn bị: Bột Mẫu lệ, bột sừng hươu nai và bột Cốt toái bổ mỗi vị 2g.
  • Thực hiện: Làm thành viên uống, dùng đều đặn trong 3 – 4 tuần.

8. Lưu ý khi sử dụng cốt toái bổ chữa bệnh

Mặc dù là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng tuỳ ý. Đối với một số đối tượng sau, không nên dùng cốt toái bổ:

  • Trường hợp thiếu âm kèm nhiệt nội (thận âm hư sinh nóng trong, cảm giác nóng bừng từ đầu đến chân, nhanh mệt mỏi, khô môi…).
  • Trường hợp có triệu chứng ứ máu.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng không nên sử dụng cốt toái bổ. Nếu bạn có bất kỳ phản ứng bất thường nào khi sử dụng sản phẩm này, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc những người có chuyên môn. Nên liệt kê các loại thuốc đang sử dụng và tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn để tránh tương tác thuốc. Nếu kết hợp sử dụng thuốc, nên cách nhau (giữa thuốc sắc từ dược liệu với thuốc tân dược) khoảng 1-2 tiếng.

Hy vọng với những thông tin trong bài viết đã cung cấp cho bạn hiểu biết về cây Cốt toái bổ – vị thuốc quý có nhiều công dụng cho sức khỏe xương khớp. Hãy liên hệ ngay số hotline 0343 44 66 99 để được chuyên gia Tâm Bình giải đáp các thắc mắc nhé!

XEM THÊM:

  • Thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
  • Phong tê thấp là bệnh gì: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị
  • Bệnh thấp khớp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Chơi cây cảnh – Nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh Chơi cây cảnh – Nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh

Rate this post